Multimedia Đọc Báo in

Chị cối xay áo cộc và anh cối giã gạo cổ dài

14:41, 26/05/2017

Gọi vậy là vì hai vật dụng không thể thiếu được ngày ấy của mỗi gia đình này luôn ở cùng với nhau, hoặc là trong gian bếp, hoặc là ở ngoài chái nhà. Hai "anh chị" ấy luôn là nỗi sợ khiếp vía của bọn trẻ con chúng tôi khi nhà hết gạo ăn phải nhờ đến chúng.

 - Ngày mai nữa là hết gạo rồi. Thằng Trường mang lúa ra xay nha - mẹ tôi bảo.

 Dù có viện đủ mọi lý do rằng mai phải làm bài tập về nhà, phải đi học nhóm... vân vân, nhưng mẹ vẫn cương quyết: “Sao mọi hôm không bận. Xay xong rồi đi đâu thì đi!”.

 Biết không thể viện cớ để "trốn việc", sáng hôm sau tôi phụng phịu bê một thúng lúa đầy mẹ đã xúc sẵn từ tối hôm trước ra cối xay. Chiếc cối xay lúa ngày ấy gồm hai thớt, đều được đắp bằng đất có nêm dăm gỗ hoặc tre. Thớt trên của cối hình phễu để đổ lúa vào, thớt dưới nằm cố định để khi thớt trên quay thì lúa bị nghiền thành gạo riêng, trấu riêng. Giữa hai thớt có tấm cót nhỏ, gọi là "áo cối" để chặn gạo và trấu khỏi văng ra ngoài. Khi xay lúa, người ta cầm chiếc "chàng cối" có dây buộc trên đòn tay nhà và quay tròn thớt trên. Nhìn chung, theo cách miêu tả của bọn trẻ con chúng tôi thì chiếc cối xay thật là nặng nề và xấu xí, ục ịch; chẳng vậy mà khi thấy chị nào béo tròn, chúng tôi lại gọi: "béo tròn như cối xay". Đã nặng nề, nó lại khoác chiếc áo cót cũn cỡn như áo con ve sầu mới lột nên càng xấu. Vì sao tôi ghét chiếc cối xay là có căn nguyên. Hồi ấy, tôi mới học lớp sáu, lớp bảy gì đấy, là một trong những đứa trẻ gầy gò và nhẹ cân trong làng. Là anh lớn nhất trong nhà nên khi hết gạo ăn mẹ thường sai tôi xay lúa; những lúc ấy thì quả là cực hình. Chiếc cối thì nặng, mỗi lần đẩy được vài vòng quay là cả một sự gắng sức đối với tôi. Cứ vậy, người đánh vật với cối, rồi nghỉ, rồi lại xay; mắt luôn nhìn thúng thóc, ước có ông Bụt gọi bầy chim về ăn bớt thóc như trong truyện Tấm Cám. Cuối cùng, hết buổi sáng, sang tận gần trưa thì cũng hết thúng thóc. "Xay lúa thì khỏi ẵm em" - câu ông bà nói cực kỳ chính xác đối với hoàn cảnh của tôi khi ấy, bởi vì phải xay cho xong ngần ấy lúa nên tôi không phải nấu cơm, khỏi phải ẵm em. Việc nấu cơm và bồng  thằng Chuyên (đứa em út) đến tay thằng Yên hoặc con Xuyến, con Lam (em dưới tôi) phải làm.

Lúa xay xong, mẹ tôi dùng sàng - một loại dụng cụ hình tròn, đan bằng tre có lỗ thưa để sàng gạo, lọc trấu (khác với chiếc dần lỗ nhỏ hơn để sàng gạo, lọc cám). Việc sàng và dần gạo rất khó, đòi hỏi phải dẻo tay và vòng quay phải đều, sao cho trấu (hoặc cám) dồn vào giữa để dễ bốc riêng ra. Công đoạn này chỉ có phụ nữ mới làm thành thạo được. Sàng xong, mẹ tập trung cả tôi, thằng Yên cùng đi giã gạo. Lúc này đến nhiệm vụ của anh cối giã cổ dài. Cối giã gạo là một thân cây to, chắc và nặng. Đầu cây, phía có chiếc cối đá hình chiếc phễu để đổ gạo, người ta đóng thêm đoạn gỗ như chiếc chày, để khi dậm lên thả xuống chiếc chày nện vào cối, giúp cám bật ra khỏi gạo. Trục cối nằm ở phía một phần ba cây gỗ ôm lấy "ngõng cối". Khi giã gạo, người đứng ở phía một phần ba cây gỗ, dùng sức nhấn cối lên rồi thả xuống nhịp nhàng. Giã gạo phải huy động đông người là vì vậy. Do cái việc cứ phải dậm, thả, dậm, thả... đều đều buồn chán, tẻ nhạt như vậy nên tôi hay buồn ngủ, vừa dậm vừa ngủ, mẹ đứng sau phải cốc vào đầu mới tỉnh...

 Ngày nay, chiếc cối xay lúa và chiếc cối giã gạo hình như đã vắng bóng ở mọi nơi. Trong một đợt về quê, tôi đã cố đi tìm để ngõ hầu chụp một vài pô ảnh về "anh chị" ấy, làm kỷ niệm cho một ký ức tuổi thơ đầy gian khó nhưng thấm đẫm nhớ nhung, nhưng rồi đành chịu. Khắp làng chẳng nhà nào còn giữ lại, dù là chiếc chàng cối xay hoặc chiếc chày cối giã. Máy xát lúa bằng điện vừa nhanh vừa nhàn, hạt gạo lại trắng, thơm đã đẩy "anh chị" ấy về quá khứ xa xưa của làng quê...

 Nhớ quá, nhớ đến quay quắt "Chị cối xay áo ngắn béo trục béo tròn" và "anh cối giã gạo cổ dài như cổ ngỗng" ngày xưa của tuổi thơ làng tôi...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.