Gánh hàng chợ của mẹ
Thi ca, văn chương đã nói rất nhiều về người mẹ với đủ mọi cách nhìn, mọi sắc thái: Từ dáng mẹ còng lưng sấp ngửa một nắng hai sương trên đồng lúa, từ việc mớm cơm đút cháo khi con còn thơ ấu "Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn"... đến lời ru nặng hồn dân tộc, thấm đẫm đạo lý làm người v.v...
Nhưng với tôi, hình ảnh đọng mãi đến bây giờ là khi nhìn mẹ chuẩn bị gánh hàng đi chợ và những thứ mẹ sắp trong đôi quang thúng để bán mua với thiên hạ. Vì rằng đấy là tất cả những tài sản mẹ có thể bán được để mua về những thứ vật dụng cần thiết và để có tiền chi tiêu trong nhà...
Gánh hàng chợ của các bà mẹ quê ngày xưa chủ yếu là những thứ cây nhà lá vườn thu được ngay chính trong mảnh vườn nhà, trên đồng ruộng quê hương. Để có được gánh hàng kĩu kịt, đằm hai đầu đòn gánh, mẹ tôi đã phải chuẩn bị cả tháng giời. Mẹ để ý buồng chuối ngoài vườn từ khi bánh tẻ đến lúc chuối xanh già, chuẩn bị hươm vàng. Chẳng may chuối chín cây, bị một con chim nào đấy mổ ăn mất một, hai trái là mẹ cứ xuýt xoa mãi, bởi nải chuối đã bị chim mổ, có nghĩa là sẽ phải bán rẻ mất vài xu. Chặt buồng chuối vào, mẹ cẩn thận xẻ nải rồi dấm trong chum với lá xoan cho mau chín. Rồi mẹ lom khom ngoài ruộng hái và bó mấy lọn rau muống, vài nắm rau sam... sao cho được đầy chiếc rổ con. Ngày ấy cua, cá trên đồng còn nhiều lắm, sau mỗi buổi học tôi thường đeo giỏ đi bắt cua, mò cá. Cua bắt về, mẹ chọn những con óp, con rụng càng đứt cẳng nấu bữa canh rau đay cho cả nhà ăn; những con khỏe, con to mẹ buộc thành từng xóc. Xóc cua là hai chiếc que tre chẻ mỏng để găm cua vào, mỗi xóc từ mười đến mười lăm con. Nhưng có lẽ tài sản giá trị nhất trong gánh hàng chợ của mẹ là cặp gà trống nuôi từ năm trước. Nhói lòng nhất là khi nhìn mẹ xúc thóc trong cót vào hai chiếc thúng. Nhà nông lấy hạt thóc làm đầu. Thóc đã quây vào cót nghĩa là sự đói no của cả gia đình nằm cả trong đó. Ngày xưa đồng quê chỉ cày cấy một vụ duy nhất nên hạt thóc quý như hạt vàng. Nhiều nhà đầu vụ còn được ăn bữa no, đến tháng ba ngày tám thóc vơi, phải chịu cảnh đứt bữa là chuyện rất bình thường. Bởi vậy, tâm trạng xót xa của mẹ khi phải xúc thóc trong cót đi bán là chuyện chẳng đừng, buộc phải làm. Những khi ấy gương mặt mẹ hình như già đi mấy tuổi; xúc thóc mà tay mẹ cứ ngập ngừng chưa muốn đổ vào thúng. Nhưng rồi tiền học phí, tiền mua sách bút cho con học, tiền để mua đôi lợn về nuôi và nhiều thứ khác phải cần đến tiền... đã buộc mẹ phải làm những điều mình không muốn. Khi thóc đã sàn sàn hai miệng chiếc thúng, mẹ thở dài. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được những tiếng thở dài ấy của mẹ.
Được theo mẹ đi chợ có lẽ là niềm vui nhất của các cô bé, cậu bé nông thôn ngày ấy. Từ bốn giờ sáng các bà các mẹ đã gọi nhau quang gánh kĩu kịt ra khỏi nhà. Chợ Vệ, chợ Bợi, chợ Dầu, chợ Lội đều cách xa làng Yên Phó cả bốn, năm cây số nên phải đi từ sớm. Chợ họp theo phiên nên người làng cũng đi theo ngày chợ mở. Đoàn người (hầu hết là phụ nữ) rồng rắn trên bờ đê, đòn gánh oằn vai, vừa thở vừa kể chuyện nhà chuyện cửa, chuyện xóm thôn, đủ thứ. Năm bảy đứa trẻ lon ton chạy theo sau hò hét, đùa giỡn làm lay động làn sương sớm còn bao phủ khắp ruộng đồng, thôn xóm...
Gần trưa chợ đã vãn người cũng là lúc các mẹ các cô trở về làng. Khi về quang gánh có nhẹ hơn nên chiếc đòn gánh cũng thôi kêu, người gánh bước đi những bước thơ thới hơn. Duy chỉ lũ trẻ do chạy nhảy, chơi đùa trong chợ mướt mồ hôi nên đuối sức. Nhiều đứa bắt mẹ cho ngồi một bên quang để mẹ gánh như hồi tản cư chạy giặc càn. Vui nhất là khi về đến nhà được mẹ chia quà chợ. Quà chợ khi ấy là những con tò he nặn bằng bột có màu xanh, đỏ, tím, vàng thật bắt mắt; chơi chán có thể ăn, tuy nó nhạt phèo, chẳng ngon lành gì. Mẹ tôi khi về tới cổng lập tức bốn đứa em của tôi ào ra đón, hò hét đúng kiểu... đón mẹ về chợ. Mẹ ngồi xuống bậu cửa, lật chiếc buồm cói đậy trên miệng thúng chia quà cho từng đứa. Một chiếc bánh đa nướng bẻ chia đều, mỗi đứa được thêm một khúc mía, một con tò he. Rồi mẹ quài nón quạt cho từng đứa, vắt mũi cho thằng em út; mỉm cười nghe bầy con vừa nhồm nhoàm nhai bánh đa vừa láo nháo "kiện cáo", kể tội lẫn nhau từ khi mẹ vắng nhà đến giờ.
Vui nhất là khi mẹ thả đôi lợn con vào chuồng. Trước tiên mẹ đốt nắm rơm "tẩy vía" cho chúng, lầm rầm khấn trời phật cho chúng không gặp bệnh tật, hay ăn chóng lớn. Cẩn thận xách từng con thả vào chuồng trong tiếng eng éc của chúng, mẹ cười rất vui bởi đây là công sức, tài sản mà mẹ phải dành cả tháng giời chuẩn bị, thu vén mới có được; là sự đánh đổi mấy chục cân thóc dự trữ đủ để nuôi cả nhà trong những ngày giáp hạt đói kém...
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc