Công việc nhà nông
"Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công..." – đó là những câu ca dao nói về một trong những công việc quan trọng hàng đầu của nhà nông: Cày và cấy.
Những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi trở về trước, việc cày đồng cày ruộng chủ yếu là dùng sức trâu kéo. Con trâu vì thế là đầu cơ nghiệp, là người bạn thân thiết hết mực của nhà nông. Nhà nông vất vả một nắng hai sương "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì con trâu cũng tối mặt tối mày cày, bừa khắp đồng thấp ruộng cao.
Chiếc cày ban đầu là cày chìa vôi nhỏ và nhẹ, sau được cải tiến thành cày năm mốt to hơn, luống cày rộng và sâu gấp đôi. Muốn cho trâu kéo cày được, ngay từ khi còn là con nghé, người ta đã tập cho nó kéo cày, gọi là "vực nghé". Công việc vực nghé khá vất vả, phải là đàn ông cực khỏe mới kham nổi. Muốn vực nghé, trước đấy chừng một tháng phải "xâu mũi" cho nghé, nghĩa là dùng thanh sắt nhọn đã được khử trùng qua lửa rồi đâm thủng miếng thịt ngăn giữa hai lỗ mũi con vật để khi vết đâm lành thì xỏ thừng dắt con nghé đi theo ý người. Chọn mảnh ruộng không có nước (thường là ruộng màu), tròng ách cày vào vai nghé, một người (thường là đứa trẻ mười một, mười hai tuổi) dắt nghé đi trước, ông bố cầm cày, để mũi cày trượt trên mặt ruộng (chứ không bập vào đất), phòng khi nghé phá bĩnh bỏ chạy thì mũi cày không bị cắm sâu xuống đất mà gãy.
Cứ vậy, cha và con, người và nghé như đánh vật với nhau, tiếng la hét rộn cả một quãng đồng. Vực khoảng ba ngày thì con nghé dần quen, chịu nghe theo tiếng "vạt" sang phải, tiếng "vắt" sang trái của chủ thì có nghĩa là nó đã trở thành "người lớn", để rồi một thời gian sau gia nhập vào "đoàn quân thợ cày" của đồng quê.
Trước năm một chín sáu mươi, hình thức cày, cấy, gặt hái, thu hoạch mùa màng làm theo phương thức sản xuất hộ cá thể bằng hình thức tổ đổi công; sau đấy chuyển sang phương thức hợp tác xã quy mô lớn, dưới hợp tác xã là đội. Mỗi đội chừng khoảng năm chục hộ, có đội trưởng, đội phó và thư ký đội điều hành. Ruộng đất cũng như tư liệu sản xuất là trâu, bò... đều do hợp tác xã và đội quản lý; xã viên được trả công theo điểm, cuối vụ cộng điểm rồi quy ra số thóc tương ứng được hưởng.
Vì vậy mới có chuyện: Được mùa thì được chia nhiều thóc, mất mùa thì dù số điểm có cao nhưng thóc chia vẫn ít. Xã viên đi làm theo tiếng kẻng hợp tác, theo sự phân công của đội trưởng. Nhiều khi trên một cánh đồng, một thửa ruộng có đến ba chục, năm chục người cùng làm một công việc; không khí tuy có vui vẻ, chuyện trò sôi nổi nhưng sức làm mỗi người mỗi khác: Người tự giác thì làm tích cực, hết mình; người yếu mệt thì làm uể oải, chiếu lệ nhưng cuối ngày thì số công và số điểm vẫn được tính như nhau. Đây chính là hạn chế lớn nhất của phương thức sản xuất hợp tác xã theo quy mô lớn.
Đến những năm chín mươi đã được khắc phục bằng phương thức “khoán 10”, rồi “khoán 100”; nghĩa là lại trở về phương thức chia ruộng theo khẩu trong mỗi hộ gia đình để họ tự giác cày cấy, sản xuất theo năng lực của mình, phát huy được tính năng động, sáng tạo trong làm ăn... Cuộc sống nông dân cũng từ đó mà khởi sắc, đã có thóc lúa dư dật, thoát khỏi cảnh đói ăn, đứt bữa, lại còn có thóc thừa để bán lấy tiền mua sắm đài điện, ti vi...
Trở lại công việc nhà nông của thời còn đang theo mô hình sản xuất hợp tác xã: đối với bọn trẻ, ngay từ khi mới cắp sách vào lớp một đã được ông bà, bố mẹ rèn cặp việc làm ăn. Thằng Trường nhà bà Tuệ mới lên sáu đã được mẹ giao việc thổi cơm, quét nhà, phơi thóc. Khi thổi cơm, mẹ nó dặn khi cho nước vào nồi thì đưa ngón tay trỏ vào đo, sao cho nước bằng hai đốt ngón tay trẻ con của nó là vừa. Khó nhất là khi bắc nồi vần xuống tro nóng rồi đốt vặn rạ bên trên. Tay thằng cu sáu tuổi vặn nùn rạ không chặt nên khi đốt, lửa cháy bùng bùng, có bận suýt cháy nhà.
Lên mười, Trường được mẹ cho đi theo gánh rạ ngoài đồng. Rạ ướt, cu Trường lại không biết trở vai nên khi đưa được hai đon rạ về đến nhà vai cu cậu đỏ tấy, đau nhức khiến Trường ta khóc rưng rức... Sang tuổi mười bốn, mười lăm Trường đã thành thạo công việc gánh gồng, cày cấy như một nông dân thuần thục. Sau mỗi buổi học về, việc trước tiên là ăn vội bát cơm được ủ nóng trong chăn. Trường ta chan canh, nhào thức ăn lẫn với cơm rồi húp sì sụp; sau đó vơ vội quang gánh hoặc cuốc cào ra đồng làm để được đội ghi công, tính điểm. Bát cơm chỉ lưng lửng dạ chứ không được no (bởi được ăn no thời ấy là mơ ước của những thằng bé đang tuổi ăn tuổi lớn như Trường) nhưng cũng giúp nó đủ sức làm đến trưa.
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc