Dư âm chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng
Một ngày giữa tháng 7, khu Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột) nhộn nhịp hơn ngày thường khi lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách.
Với chủ đề “Đắk Lắk – Âm vang đại ngàn”, Chương trình diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên, thành viên đội văn nghệ cồng chiêng của buôn làng và Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk trình diễn, như: hòa tấu ching K’năh “Âm vang đại ngàn”, hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Mạch nguồn vẫn chảy”, diễn tấu ching Jhô “Wack wei mừng mùa”, độc tấu ching K’ram “Vũ khúc các chàng trai cao nguyên”; hát múa “Vòng xoang”… Đan xen giữa các tiết mục cồng chiêng, khán giả còn được giao lưu với các nghệ nhân, diễn viên, tập sử dụng nhạc cụ, thưởng thức rượu cần… Nhiều em nhỏ đã mạnh dạn lên sân khấu gõ thử cồng, chiêng dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ và tiếng vỗ tay của người xem.
Nhiều người đã không giấu được niềm yêu thích đối với cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt là các bạn trẻ tuổi và du khách nước ngoài. Ông Nguyễn Đăng Quang, du khách đến từ Hà Nội cho hay: “Trước đây, tôi có xem biểu diễn cồng chiêng trên ti vi nhưng được thưởng thức trực tiếp quả nhiên tuyệt vời. Tôi cứ nghĩ, chỉ có đàn ông mới đánh chiêng, tham dự Chương trình này mới biết còn có bộ chiêng Jhô độc đáo của dân tộc Êđê Bih dành riêng cho phụ nữ diễn tấu…”. Còn em Nguyễn Bảo Thiên Ngân, 12 tuổi, ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Hôm nay em rất vui khi được mẹ đưa đến đây xem biểu diễn cồng chiêng. Em thấy nhiều bài chiêng rất hay và những điệu múa thật ấn tượng. Em còn được các cô chú nghệ sĩ hướng dẫn đánh chiêng, thích lắm…”.
Tiết mục diễn tấu ching Kram “Mưa đá”. |
Theo dõi chương trình, nhiều khán giả đặc biệt là du khách quốc tế đã háo hức mở các trang mạng xã hội như: facebook, youtube… để chia sẻ trực tiếp hình ảnh với bạn bè. Ông Robert Van Gorcom, du khách đến từ Hà Lan chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn được tận mắt chứng kiến một buổi biểu diễn cồng chiêng. Thật là hoàn hảo, càng nghe càng say mê âm nhạc Tây Nguyên, cùng ngữ điệu, nhạc cụ, và các điệu múa mạnh mẽ của người dân bản địa. Khi về nước, tôi sẽ kể với bạn bè, anh em và các con, nếu có dịp hãy đến Đắk Lắk và thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên, mà nhiều nơi trên thế giới không có”.
Chia sẻ sau thành công của buổi biểu diễn đầu tiên, ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, để tiếp tục thu hút du khách và người dân quan tâm đến Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng nói riêng và Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung cũng như trải nghiệm thêm một sản phẩm văn hóa kết hợp với du lịch độc đáo này, đơn vị đã quay phim lại toàn bộ Chương trình để giới thiệu trên các trang mạng xã hội; phát hành hơn 3.000 tờ rơi đến các khách sạn, nhà nghỉ trong và ngoài tỉnh; giới thiệu bài viết trên các tạp chí du lịch, trang web của Tổng cục Du lịch...
Ông Thanh cho biết thêm: “Để Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng thu hút du khách hơn nữa cần có sự quan tâm của các ngành liên quan, đặc biệt là của người dân trong việc giới thiệu với bạn bè, người thân trong và ngoài nước. Từ đây đến cuối năm 2017, Chương trình định kỳ được diễn ra vào lúc 20 giờ thứ Bảy tuần thứ hai và tuần cuối của tháng và nếu duy trì lâu dài tôi tin rằng đây sẽ là một điểm nhấn về văn hóa thu hút du khách đến với Đắk Lắk thường xuyên hơn”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc