Ký ức mùa lụt
Mùa lụt, có nghĩa là bốn bề nước trắng mênh mông. Ở vùng nông thôn, lụt cũng đồng nghĩa với việc mất mùa, là đói kém, thiếu ăn; là nét lo lắng hằn trên nét mặt người lớn.
Ấy nhưng, đối với lũ trẻ thì đây lại là mùa thỏa chí nhất trong năm, vui hệt như mùa hè đi dính ve, bắt cua, đánh dậm, tắm sông... Thỏa chí vì được trần trùng trục trong biển nước, úp cá chép vượt ruộng, câu cá mè ngớp ao hoặc cùng người lớn đi bắt ếch đêm ngoài đồng, kéo vó bè trên đầm trũng...
Ngày ấy, do radio ở vùng nông thôn quá ít nên tiết mục "Dự báo thời tiết" trên đài thường không đến được với bà con, người nông dân chỉ đoán thời tiết mùa vụ bằng kinh nghiệm tích lũy được qua quan sát cây cỏ, loài vật, qua nhìn trời mây. Ví như: "Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa", hoặc "Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống", "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm"... Cứ từ tháng 7 trở đi đến hết tháng 9 là mùa lụt bão thường hay xảy ra nên bà con trông trời nhìn mây để phòng lụt, chống bão và thường là rất chính xác. Khi trời đang nắng như rang, bỗng xuất hiện "Mống đằng Đông, vồng phía Tây" thì "chẳng mưa vây cũng bão giật". Mưa dông thường xuất hiện vào buổi chiều. Đầu tiên là nắng dịu hẳn, gió nổi lên, rồi mây đen ùn ùn kéo về, sấm ì ùng trên bầu trời hồi nãy còn chang chang nắng. Rồi mưa trút xuống. Hạt mưa rơi xuống sân đến nổi cả bong bóng, mưa gõ rầm rầm trên mái nhà, trên tàu cau tàu chuối. Chớp nháy rồi sấm rền, cả không gian xóm làng trắng xóa màu mưa. Khoái nhất của lũ trẻ làng là được dầm mình trong trận mưa đầu mùa, hò hét đuổi nhau dưới mưa, mặc cho cha mẹ hò đến khản cả giọng vì sợ chúng cảm, sợ bị sét đánh. Cũng lạ, chẳng đứa nào bị sét, cũng chẳng thằng nào bị cảm. Trẻ con vốn vậy mà, chúng vô tư đến trong veo nên ông trời hình như cũng thương tình mà không phạt chúng.
Đùa chán, lũ trẻ hò nhau đi bắt cá rô lóc ở bờ ao, góc ruộng. Mọi thứ dụng cụ như rổ, rá, nơm, dậm, thậm chí xoong, nồi đều được tận dụng. Mưa to nên nước chảy thành dòng xuống ao chuôm, mương nước, cá rô từng đàn cứ ngược dòng mà lách lên, nhảy cả lên bờ. Thằng Hùng và thằng Trường gặp may khi lội đến đoạn bờ ao nhà ông Ứng ngăn giữa ao và ruộng Lệnh thì gặp đàn cá. Trời ơi, có đến hàng trăm con cá rô đang ngoi từ ao lên, lách ngược dòng lên bờ cỏ, tiếng vây, tiếng đuôi của chúng quẫy “tè tè” thật vui tai. Hùng và Trường hò nhau thằng chao rổ, thằng chao dậm, cứ thế cả mẻ cá vào giỏ của hai thằng, chẳng lọt con nào. Trúng đậm, trưa ấy trong làn khói bếp quẩn trên mái rạ nhà hai thằng thơm lựng mùi cá rô rán, mùi canh cá rô nấu rau cải xanh.
Mưa tháng bảy mùa lụt thường là mưa dầm, cả tuần trời chưa tạnh. Nhìn ra đồng ruộng mênh mông nước, chỉ thấy những ngọn lúa phất phơ dưới làn nước đục; ao hồ và đồng ruộng không còn bờ ngăn, người lớn thì thắt lòng thắt ruột vì cầm chắc mất mùa thất bát nhưng bọn trẻ thì tươi hơn hớn hò nhau đi úp cá chép lên ruộng đẻ trứng. Cánh ruộng Lệnh ngày thường chỉ xâm xấp nước đến mắt cá chân, nay nước lụt đến đầu gối, cá chép từng đôi quấn nhau, đuôi đỏ chót. Lũ trẻ giỏ thắt ngang lưng, chiếc nơm cầm tay cứ nhè “anh chị” cá mà chụp nơm. Nếu có tiếng “kịch kịch” trong nơm là cầm chắc bắt được một hoặc hai con cá. Nhiều khi gặp được con cá to, phải lấy dây chuối xâu qua mang mà xách bởi không thể bỏ vừa giỏ. Nhìn sang phía bờ đầm ông Phiết, có năm, bảy chiếc vó của người lớn cũng đang cất cá vượt lụt. Kéo vó có thể bắt được đủ các loại cá, từ cá diếc, cá rô đến cá mè, cá chép, thậm chí có cả con ba ba nặng vài ký…
Mùa lụt cũng là mùa ếch, nhái bắt đôi. Tiếng ễnh ương cứ “à uôm, à uôm” gọi nhau suốt đêm ngày, nghe buồn buồn trong một không gian ẩm ướt của miền quê. Bước ra ngoài đồng thì được thưởng thức dàn hòa âm tiếng ngóe, tiếng ếch rộn rã như một đặc trưng của đồng quê mùa lụt. Điều vui thích của bọn trẻ là được ông hoặc bố cho theo đi chộp ếch bắt đôi. Muốn bắt ếch phải đi vào ban đêm tối trời, dụng cụ mang theo là bó nứa khô làm đuốc để soi ếch (vì ngày ấy không sẵn đèn pin như bây giờ). Tìm chỗ có tiếng ếch kêu lội đến. Tội nghiệp các cô, cậu ếch mải đánh “tín hiệu tình yêu” say sưa đến mức lửa đuốc soi ngay trước mắt mà cũng không hề hay biết, đến nỗi bị chộp bỏ vào giỏ rồi… mới tỉnh. Cũng có đôi do mưa làm cay mắt vừa “cặp đôi” vừa nhắm mắt nên cả hai đều bị tóm gọn. Ếch ngày ấy nhiều đến nỗi ông nội thằng Trường đi bắt ba đêm mà được gần một phần ba chiếc bể đựng một khối nước, một phần để làm thịt, còn lại bà nội buộc thành từng xâu cho các nhà hàng xóm lân cận và đưa đi chợ bán. Thịt ếch nấu với dọc mùng thì khỏi chê, thơm lựng trong chiều quê. Thằng Trường xin ông nội chiếc da ếch lớn nhất bọc vào miệng ống bơ, gõ kêu binh binh thật vui tai.
Mùa lụt, lúa thì ngập nhưng những ngọn rau ngoi như rau muống, rau rút vươn lên theo nước, non xanh mơn mởn. Rau ấy mà chẻ ra làm nộm ăn với dấm cá chép nấu mẻ, cứ giòn ngọt ăn đến hết cả rổ mà chưa chán. Nếu có lạng thịt bò nấu với ngọn rau muống ngoi thì… khỏi chê.
Ngày nay không còn hoặc còn rất ít cảnh úp cá, bắt ếch trên đồng như xưa, bởi ao chuôm đã được giao cho hộ gia đình quản lý, nhà nào nhà nấy đều thành cao, bờ chắc, có lụt thì nước cũng không tràn được ra ngoài và do vậy cá cũng không bơi ra được. Cua, ếch cũng rất ít bởi đồng ruộng bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu… nên chúng không còn cơ hội sinh sôi để đông đàn sai lứa như ngày xưa. Đến cả tiếng ễnh ương “à uôm, à uôm” buồn buồn những đêm khuya mùa lụt cũng chỉ còn trong ký ức xa xưa…
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc