Multimedia Đọc Báo in

Ôi một thời đói kém!

15:47, 02/07/2017

Nhắc lại cái thời này để thấm một điều rằng: Tuổi trẻ ngày nay hạnh phúc lắm, hạnh phúc như đang sống ở một thiên đường nếu đem so sánh với tuổi thơ nông thôn ngày xưa.

Thời ấy cả làng đói, cả nước đói chứ không riêng gì vùng nào. Hạt thóc làm ra phải chia ba sẻ bảy, phần thì đóng thuế cho nhà nước để chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, phần thì chia suất cho những khẩu, những gia đình có người già yếu không còn sức lao động... Lại nữa, việc sản xuất trong những năm 1955 đến cả chục năm sau này chủ yếu theo phương thức lạc hậu, gieo cấy những giống lúa năng suất cực thấp như lúa gié, lúa ri, lúa ba giăng..., lại bị sâu bọ, chuột đồng phá hoại nên hạt thóc thu về không được bao nhiêu; cao lắm thì mỗi sào Bắc Bộ cũng chỉ được tám mươi ki-lô-gam; nghĩa là một mẫu (mười sào) thu chưa đến một tấn thóc. Nhà nông lấy hạt thóc làm đầu, vì vậy đói kém là điều dĩ nhiên, tất phải xảy ra.

Đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười do đói kém mà ra. Chuyện nhà kia may mắn có đàn chuột cống (loài chuột to như con mèo, nhiều khi chúng hợp nhau lại tấn công khiến cả mèo cũng phải chạy) đào hang khoét ngạch trong buồng mà mỗi đêm rình bắt một con, làm được nồi thịt to ăn trừ bữa; rồi chuyện "Mưa đóng tháng" – mưa dầm cả tháng không tạnh – phải đi suốt lúa ở ruộng năm phần trăm (ruộng chia cho một hộ theo số khẩu) về giã thành cám để nấu cháo ăn thay cơm. Chuyện ăn cháo cám dài dài dẫn đến táo bón suýt chết thì thằng Cường là một trong những nạn nhân.

Nguyên là khi sàng sảy lúa giã ngoài ruộng năm phần trăm về, mẹ cu Cường thấy mẻ lúa quá ít, chỉ được một vài cân nên cố tình không sảy hết trấu danh (loại trấu nhỏ, vụn gần như cám). Khi nấu cháo lên, múc ra bát mùi bay lên thơm lừng, lại đang khi đói nên Cường ta đánh hết vèo hai bát. Một bữa, hai bữa, đến bữa thứ ba thì Cường bị táo. Táo đến mức cứ ôm bụng mà khóc. Khi ấy cu Cường mới ở tuổi lên hai. Sáu mươi năm đã trôi qua nhưng cái đận đói kém ấy Cường nhớ mãi đến bây giờ. Rồi bà Hoa bên hàng xóm ăn cháo cám một tuần thì bị kiết kéo dài cả nửa tháng, tưởng chết. May sao có người cho đĩa con con sứa luộc, bà Hoa ăn vào thấy đỡ dần rồi khỏi. Chẳng hiểu có phải do sứa mát hay nguyên nhân nào khác mà khỏi được như vậy. Hú vía...

Những năm còn đang thời bao cấp, thìa mỡ, muỗng đường quý và hiếm đến độ chỉ như của để dành, thật cần thiết mới dám dùng đến. Đường và thịt bán theo tem phiếu, ai là cán bộ nhà nước được phân phối một tháng ba lạng mỗi loại. Thịt mua về lược da và chút thịt nạc ra để xào được bữa rau hoặc nấu măng, còn lại bao nhiêu mỡ đem rán đổ vào chiếc lọ để khi có con cá rô, lóc đầu mùa mưa tháng hạ, ngọn rau muống vươn mùa lụt tháng tám thì mới dùng đến. Đường cũng vậy, mua về đổ vào chai để dành; chỉ khi hái được ngoài ruộng quả bí đỏ thật già đem về nấu nhừ, quấy thật nhuyễn rồi đong từng thìa đường đổ vào, gọi là nấu chè bí; bởi bản thân bí đỏ đã ngọt sẵn, chỉ phải bỏ ít đường cũng đủ ngon; cả nhà húp sì sụp, thật vui. Đường và mỡ hiếm như vậy nên nhà có đông con mà để dành được là cả một vấn đề khó khăn.

Nhà bà Khởi ở trong làng, ông Khởi làm công chức trên thị xã nên từng quý đều được phân phối ba lạng đường, ba lạng mỡ. Năm đứa con lau nhau, cứ khi nấu cơm vừa chín tới mỗi thằng xúc một muỗng mỡ lia lia trên miệng bát cơm nóng cho mỡ chảy đều rồi trộn với nước mắm, sì sụp thổi, sì sụp ăn. Cứ mỗi bận xúc mỡ, chúng lại đốt tờ giấy hơ lên miệng lọ mỡ cho nóng, mỡ chảy ra sẽ xóa dấu tích của vết thìa vừa xúc. Báo hại, múc mãi rồi thì  lọ mỡ cũng phải vơi; khi bà Khởi cầm lọ lên thì đã vơi hơn nửa. Bà Khởi tra khảo thì thằng cả đổ cho thằng hai, thằng hai tố thằng thứ ba... cuối cùng chẳng thằng nào chịu nhận tội, bà Khởi điên tiết quất roi cả năm thằng, chúng ôm mông khóc rưng rức. Không chỉ lọ mỡ, ngay cả lọ đường cũng “chịu chung số phận”: Đi làm đồng về hoặc tan buổi học, mỗi thằng lén đổ ra bàn tay một ít rồi thè lưỡi nếm từng chút cái vị ngọt ngào đến tê mê. Lọ đường cứ vậy vơi dần, nhưng chúng không thể dừng được việc tiếp tục ăn vụng cái thứ ngọt ngào đến mê người ấy, mặc dù chúng biết thế nào cũng đến ngày được... ăn đòn.

Đói kém sinh trộm cắp. Chuyện dân làng Rầu sang cắt trộm lúa, bới trộm khoai của dân làng Yên Phó vẫn xảy ra như cơm bữa. Số lúa bị cắt không nhiều, trên những thửa ruộng chín sớm. Dân làng Yên Phó cử ra tổ vệ nông rình bắt. Một buổi sáng dân làng nghe tiếng ồn ào ngoài sân kho hợp tác, mọi người đổ ra xem có việc gì, thì thấy một người đầu tóc rối bù, quần áo xộc xệch bị trói đang quỳ giữa sân, bên đon lúa chừng năm cân. Anh ta lợi dụng khi tối trời ra cánh đồng Gò Mả chỉ cách làng Rầu một con ngòi nhỏ để cắt trộm lúa. Tổ vệ nông bắt được, anh van xin rối rít nhưng vẫn bị bắt giải về cho làng xử. Làng thu số lúa lại, bắt anh ta phải hứa từ nay không làm vậy nữa, rồi cởi trói tha về. Anh ta cứ đi giật lùi mà vái bốn phía lia lịa; bộ quần áo nâu có đến chục mảnh vá vẫn còn ướt đẫm sương đêm...

Ôi, một thời đói kém đã qua, chép lại để các bạn trẻ hình dung phần nào, để càng thêm trân quý cuộc sống no ấm ngày hôm nay.

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc