Cùng con bay về miền ký ức (*)
Con đê làng
Con đê làng dài lắm! Chẳng biết nó bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu, chỉ biết rằng nó cứ ngoằn ngoèo theo dòng sông Vạc lượn mãi về tít tắp chân trời; ở dưới là dòng sông lấp loáng thì trên này là con đê mượt cỏ xanh, cứ như cặp tình nhân già nhất thế giới.
Đê có từ lâu lắm rồi. Nghe ông nội kể thì nó có từ cái thời sông Vạc còn bé xíu như con kênh chảy qua làng; dân làng nới sông rộng thêm đến đâu thì lấy đất đắp lên đê để thành con sông Vạc rộng như ngày nay, đủ cho thuyền bè qua lại dễ dàng. Cũng nhờ thế mà con đê to thêm, cao thêm, như bức tường thành sừng sững, kiên cố để chặn lụt, chắn sóng như ngày nay. Như vậy là con đê làng đã thành "ông cụ" vài trăm năm tuổi rồi.
Chỉ có điều: Con đê hôm nay cô đơn quá, không còn bóng dáng trâu bò gặm cỏ như ngày xưa; không còn từng tốp trẻ con trong làng chơi trò nhảy dây, đánh cỏ gà làm náo loạn một vùng như ngày xưa. Cũng không còn cảnh những tối hè, đêm trăng sáng dân làng lên đê hóng mát nói chuyện râm ran; càng không còn cảnh những đôi trai thanh gái tú của làng ngồi tâm sự, bàn chuyện tương lai. Con đê làng giờ vắng quá rồi! Chiếc máy cày đã thay vị trí con trâu cày bừa; chiếc ti vi, quạt điện, bóng đèn nê-ông và nhiều vật dụng hiện đại đã khiến người làng thích ở trong nhà hơn. Người làng đã quên dòng sông Vạc, quên con đê làng của thời gian khó nhưng đầy kỷ niệm êm đẹp ngày xưa...
Ngày xưa...
... Cái ngày chưa xa lắm, đê làng nhộn nhịp sớm chiều với cảnh "Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm hôm tiếng trống đi về trong thôn" như câu thơ của Tố Hữu. Dưới chân đê, bên kia là dòng sông thì bên này là cánh đồng Rộc, đồng Đục, đầm Đỉnh; xa lên trên là cánh đồng của làng Rầu và dưới này là đồng làng Yên Bắc. Đồng mùa và ruộng chiêm xen lẫn nhau, bốn mùa xanh mướt. Ngày mùa, rạ rơm phơi vàng rực chân đê; từng đàn sáo sậu, chim ri, chim sẻ sà xuống nhặt thóc rơi, cãi nhau chí chóe...
Đê làng là nơi "Sinh hoạt cộng đồng" của dân làng. Cứ mỗi chiều hè, đêm trăng sáng người từ khắp các ngõ lại kéo nhau từng đoàn lên bờ đê hóng mát. Từng tốp từng tốp theo lứa tuổi mà ngồi tụ nhóm, chuyện trò râm ran. Các cụ ông hút thuốc lào, tiếng điếu ré lên đầy khoái trá, khói thuốc chờn vờn dưới trăng; các cụ bà miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay phẩy quạt mo kể chuyện con, chuyện cháu. Xa xa, dưới vệ đê là từng đôi nam nữ rủ rỉ trò chuyện; cô gái đầu cứ nghiêng về một bên, tay vặt vặt đám cỏ may như để khỏi phải trả lời câu hỏi khó của anh bạn trai.
Ồn ào nhất vẫn là đám con nít của làng. Chúng hò hét, đuổi nhau, vật nhau uỳnh uỵch, rồi có đứa mếu máo khóc chạy lại mách lẻo với ông bà hoặc bố mẹ. Hai kẻ "gây sự" được gọi lại để người lớn... xét xử. Nghe phân xử xong, thằng bé vừa khóc đưa tay quệt nước mắt, lại chạy chơi tiếp; lát sau đã lại nghe nó cười nắc nẻ. Trăm trò quỷ quái được bọn trẻ nghĩ ra. Thằng Thành ghé tai thằng Thông thì thào một điều gì đấy, Thông gật đầu lia lịa. Thông đi bắt một con kiến bọ nẹt to như con ong ruồi, ngắt đầu con kiến tội nghiệp, rồi cầm cái đuôi có chiếc nọc gớm ghiếc đang ngo ngoe, rón rén đến sau lưng anh Nghi đang mải mê nhổ cỏ may trên quần chị Loan dưới vệ đê, dí chiếc nọc kiến vào cổ anh Nghi. Anh Nghi kêu lên đầy vẻ đau đớn, tay phủi lia lịa trên cổ. Quay lại, thấy tên thủ phạm oắt con gây trò tội ác, anh đứng phắt dậy đuổi theo Thông, cứ nhè đầu nó mà đánh. Thông ôm đầu kêu oai oái, khóc tu tu thành tiếng, chỉ đến khi chị Loan bước đến can ngăn, anh Nghi mới dừng tay. Trẻ con vốn mau quên. Chỉ lát sau thằng Thông lại chạy theo lũ bạn chơi trò thả diều. Những con diều giấy hình nửa vầng trăng chung chiêng giữa trời mây non nước, giữa gió và trăng, sáo diều hút gió kêu u… u…ù…ù, tạo điểm nhấn lung linh cho một miền quê thanh bình. Dưới dòng sông, những con thuyền buồm căng trong gió lộng, lướt giữa muôn ngàn phôi bạc. Tiếng hò thơ thới của anh lái vỡ dần, nôn nao một vùng sông nước...
Con đê làng cũng là chứng nhân chứng kiến bao cuộc chia tay thấm đẫm thương yêu, nhung nhớ của lớp lớp trai làng lên đường tòng quân đi chiến đấu. Thằng Nhân, thằng Độ (đã từng chỉ huy bọn trẻ làng làm cuộc "thủy chiến trên sông" với bọn trẻ bên kia sông ngày nào) lớn lên thành anh bộ đội chững chạc trong bộ quân phục màu xanh, ngôi sao trên mũ, tạm biệt làng Yên Phó, xuống đò qua sông cùng đồng đội hành quân vào Nam đánh Mỹ.
Rồi đến lượt thằng Trung, thằng Liêm, thằng Bắc, thằng Thứ... mỗi đợt cả chục đứa tiếp bước lên đường. Đứa có người yêu rồi thì bịn rịn chia tay, hẹn ngày chiến thắng trở về làm đám cưới; đứa chưa có người yêu thì cười tươi như hoa, cố làm cho các bà mẹ đang sụt sịt trước giờ chia tay yên lòng, với lời hẹn: "Con sẽ trở về". Nhưng rồi nhiều đứa không về nữa. Thằng Trung, thằng Trị, thằng Liêm hy sinh ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị; thằng Ban, thằng Quế ngã xuống ở đất lửa Quảng Nam... Lời hẹn của chúng nó ngày nào đã thành lỡ hẹn!
Duy chỉ có con đê làng Yên Phó quê tôi vẫn còn mãi. Đê vẫn lưu giữ những kỷ niệm khó nguôi quên của tôi, của lũ bạn tuổi thơ chúng tôi ngày nào...
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc