Multimedia Đọc Báo in

Heo may trên cánh đồng bèo dâu

08:22, 20/08/2017

Cánh bèo hoa dâu giờ mất dạng, tìm không nơi nào có, kể cả ở mặt ao tù đến góc đầm rộng, con mương sâu… Ấy vậy mà hồi những năm bảy mươi của thế kỷ trước, bèo hoa dâu lại là loài thực vật được nuôi, được ươm, được chăm sóc ngang với cây lúa trên đồng…

 Ngày ấy, ruộng đồng chỉ sử dụng thuần một loại phân hữu cơ là phân chuồng, phân xanh… chứ tuyệt nhiên không có phân vô cơ như bây giờ. Bèo hoa dâu chính là cứu cánh của cây lúa, bởi nó có đầy đủ thành phần các chất đạm, lân, kali giúp cây lúa phát triển. Nó đồng thời cũng là thức ăn rất tốt cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với đàn lợn.

 Ruộng bèo dâu gắn liền với heo may và cánh áo nâu, cặp chân trắng ngần của các cô thiếu nữ làng. Trai tráng lên đường nhập ngũ đi chiến đấu, ở làng chỉ còn đa số là phụ nữ, trẻ em và người già, thế nên việc đồng áng, làng mạc do các chị, các cô đảm đang gánh vác. Ở làng Yên Phó ngày ấy có cô Ninh, cô Bính, cô Nuôi, cô Quế, cô Thơm, cô Huệ… sức khỏe ngang đàn ông, cày đồng không thua gì ông Yến, ông Phiết. Cứ sau mỗi buổi cày, khi mặt trời ngả về tây, hắt ánh vàng xuống ngọn tre, xuống đường quê, các cô lại “họ” trâu tháo ách cày rồi xuống ao làng, tháo xà cạp (một loại bao chân như đôi tất dài) để rửa chân. Cứ để ống quần xăn cao tít, các cô nhịp bước về làng. Nắng vàng chiếu lấp loáng vào cặp chân trần trắng muốt, đẹp như tiên nữ; chiếu vào đôi vai tròn lẳn sau làn áo nâu khiến nhiều người xuýt xoa, tiếc cho cái thời xuân sắc của các cô cứ trôi đi theo tháng ngày, bởi chồng các cô còn bận chiến đấu nơi chiến trường xa biết ngày nào mới trở về…

 Cánh bèo dâu thời ấy cũng mỏng manh, duyên dáng như các cô vậy. So sánh thế là vì một thời nó xanh mướt, nó sinh sôi được cũng chính nhờ bàn tay các cô chăm sóc, nhờ bắp chân trắng ngần chẳng ngại bùn sâu, nước giá lội đồng rắc tro, sục bùn cho bèo nở cánh, thêm hoa. Chăm bèo dâu vào vụ tháng tư, tháng năm còn đỡ, bởi trời nắng nóng có lội đồng sục bèo thì cũng chỉ thấy giọt mồ hôi lã chã trên trán khiến đôi má hồng càng hồng thêm. Sục bèo vào vụ đông tháng mười, tháng chạp mới thấy hết công lao cần mẫn của những người phụ nữ đẹp người, đẹp nết của quê nhà. Những độ ấy buốt rét đến độ cua cũng phải chui vào mà (hang), cá rô cũng phải ẩn vào gốc rạ cho ấm… thì chính là lúc các cô phải đi chăm bèo. Bèo dâu chỉ thích hợp với việc sục bùn, bón tro bếp vào buổi sáng và khi chiều tà. Buổi sáng, khi sương mờ còn bao phủ khắp ruộng đồng, làng quê, những cô thôn nữ vai quẩy hai thúng tro bếp, tay cầm cây sào nứa dài khoảng ba mét nhịp bước trên con đường heo may, cát trắng. Rét, nhưng đổi lại là mùa heo may trên đồng quê thật đẹp: sương bảng lảng mỏng tang như mảnh khăn voan; gió nhẹ nhưng hun hút như tiếng xuýt xoa trên cặp môi hồng thiếu nữ. Những con chim ngủ muộn trên bờ ruộng thấy động vỗ cánh bay vút lên, thả vào không trung đôi ba tiếng kêu làm vỡ màn sương sớm. Đồng gặt xong, bốn bề loang loáng nước, sóng lăn tăn nhè nhẹ đẩy những đôi chân dài ngoẵng của đàn nhện nước nhẹ bẫng như những vận động viên trượt băng điêu luyện. Bầy cá mương lao vút, tạo nên những vệt dài như người phóng lao xé nước. Bốn bề là sự thoáng đãng đến trong veo của đồng quê buổi sớm mùa đông xen tiếng chó con sủa ủng oẳng trong làng vọng ra đồng, khi gần khi xa…

 Ruộng bèo dâu được ngăn bằng những ô đắp bùn, mỗi ô rộng khoảng bốn mươi mét vuông. Chỉ nhìn cánh bèo xanh mướt là biết ô này được chăm kỹ, bón đủ chất; ruộng nào có màu tím hoặc hơi sậm đỏ thì cần bón thêm tro bếp. Công việc đầu tiên là dùng chân sục đều cho bùn ngầu lên rồi rắc đều tro lên khắp ruộng. Kế đến là dùng cây sào nứa mang theo dập đều (gọi là dập bèo) để các cánh bèo không chồng lên nhau, cùng được nổi đều trên mặt nước. Bèo dâu có đặc điểm nở cực nhanh nên trước khi sục bùn, rải tro bếp các cô thường vớt hai rổ đầy về cho lợn ăn; và cứ sau khoảng nửa tháng lại dồn bớt bèo vào góc ruộng, vun thành đống rồi đắp bùn lên cho ngấu, để trước khi cấy lúa thì rải đều ra ruộng nhằm “bón lót” cho mạ có sức khỏe, cây đẻ nhánh nhiều. Số bèo còn lại trên ruộng được phá bờ be cho bèo đều khắp mặt ruộng, vừa giữ ấm cho chân lúa, vừa làm thức ăn để các sinh vật thủy sinh như cá, tôm… phát triển.

 Xong việc chăm bèo thì cũng vừa lúc bình minh đằng đông hé rạng, sương tan bớt, gió heo may cũng bớt đi cái lạnh hun hút; các cô lại quảy gánh ra về để kịp dắt trâu, vác cày ra đồng cho một ngày làm việc mới. Bến nước con ao Mèo đầu làng lại xao động bởi những vòng sóng do các cô tạo nên; đường quê lại in những cặp chân trần trắng muốt của thôn nữ khuất dần sau rặng tre làng…

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc