Multimedia Đọc Báo in

Thơ Bùi Minh Vũ - khúc độc hành tâm tưởng

06:26, 19/08/2017

Biết anh đã lâu nhưng chưa quá thân thuộc đến mức thấu hiểu, cho đến khi được đọc, nghiền ngẫm hết 6 tập thơ của Linh Vũ – Bùi Minh Vũ, tôi dường như thêm hiểu anh và cảm mến hồn thơ của anh hơn.

Bùi Minh Vũ viết nhiều thơ, trong 6 tập thơ: Ngủ mơ trên cát (1996), Ngày về quê ngoại (2004), Tình một thuở (2005), Dòng sông mùa xuân (2009), Chim sơn ca (2010), Lão ngư Kỳ Tân (2014) anh đã chọn lọc những bài tâm đắc nhất để “trình làng” với bạn đọc. Theo sát mốc thời gian của từng tập thơ và từng bài thơ, có thể thấy thơ anh ngày càng có độ chín, có sự bứt phát trong việc thay đổi bút pháp nghệ thuật: từ truyền thống, trữ tình sang hậu hiện đại, siêu thực. Có lẽ điều này cũng tương đồng với bút danh Linh Vũ anh đã dùng từ thuở ban đầu làm thơ cho đến năm 2009, rồi trở về Bùi Minh Vũ từ năm 2010 đến nay.

Là người con của làng biển Kỳ Tân (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), có lẽ vì vậy trong thơ Bùi Minh Vũ ăm ắp hương biển. Những câu thơ viết về biển của anh nghe cứ nao lòng. Đó là tình yêu biển thiết tha, không giới hạn: “Anh có thể thiếu ăn nhưng không thể thiếu tiếng sóng trong như đời em” (Tiếng sóng trong như đời em); là nỗi nhớ của người con đi xa hướng về quê nhà: “Cát mát bước cha/ Một đời khao khát/ Tháng ngày rong xa/ Buồn vui còn mất” (Cát), hay “Những trận mưa nhì nhèo/ Trôi về biển Kỳ Tân những ký ức” (Dạ dày chim sẻ); và cũng là sự thấp thỏm khi cơn bão đến: “Những cây dừa ngả nghiêng bập bùng trên sóng/ Trong đêm khuya mẹ già di cư chạy” (Biển)...

Một số tập thơ của tác giả Bùi Minh Vũ.    Ảnh: V. Tiếp
Một số tập thơ của tác giả Bùi Minh Vũ. Ảnh: V.Tiếp

Bên cạnh mảng thơ viết về miền biển, thơ Bùi Minh Vũ cũng tràn đầy hình ảnh về vùng đất Đắk Lắk nơi mình đang sống: Đó là sự đợi chờ, hứa hẹn: “Em có về không?/ Ché túc rượu ngon/ Ngon như ai đon đả/ Mắt nhìn đáy rượu/ Nhà dài cửa thả/ Cà phê ai hoa trắng xóa chân trời...” (Em có về không?); là những suy tư, trăn trở: “Rừng Dak Tua cháy! Nóng nung người/ Cây uốn mình đau khát/ Hoàng hôn khói hun trời đổi sắc/Đất đỏ thành đất đen” (Với lửa Dak Tua)...

Một điều khá thú vị khi đọc thơ Bùi Minh Vũ tôi thường hay đọc theo nhịp thể thơ Haiku của Nhật Bản. Có lẽ vì cảm thấy có sự tương đồng, hoặc cũng có thể thơ anh ít nhiều chịu ảnh hưởng của thể thơ này chăng? Bài thơ Khơi nguồn là ví dụ: “Cà phê/ Nước sóng sánh/ Khơi nguồn tình yêu/ Giọt mưa/ Nước của trời/ Khơi nguồn sự sống/ Trái tim em/ Nơi khơi nguồn những câu thơ hay/ Em có biết?”.

Thơ Bùi Minh Vũ cứ cô đọng, hàm súc, ý ở ngoài lời như vậy. Đọc thơ anh viết trong giai đoạn sau khá “mệt”, bởi phải nghiền ngẫm, suy nghĩ nhiều; nhưng khi dừng lại trong những khoảng trống của mạch thơ, rồi bất chợt nhận ra khoảng chân không trong thơ anh ánh lên những màu sắc đẹp đẽ thì lại cứ miên man thưởng ngoạn, không dứt ra được.

Qua thơ anh, tôi cũng thấy được một Bùi Minh Vũ với bóng dáng cô đơn trong hành trình kiếp người: “Hôm qua tôi đưa tôi đi chơi/ Tay cầm hòn đá/ Tay cầm hòn đá/ Đá hỏi/ Sao chỉ có hai chúng ta?” (Đi chơi). Sự cô đơn, tịch mịch đến vô hạn của sự vật và hình ảnh “tôi - tôi”, “ta - ta” xuất hiện khá nhiều lần trong thơ anh:  “Tôi nhìn tôi/ Quay lại/ Vùng cỏ qua còn vàng ánh trăng xưa” (Sao chổi); “Tôi tự trách tôi mặc em u buồn/ Ố mùi hương bồ kết/ Đầy ắp những âu lo mảnh vỡ” (Hương bồ kết); “Nhưng tôi là tôi lang thang trong ký ức/ Chẳng thấy em vu vơ bỡ ngỡ gọi đò” (Thằng ăn trộm); “Ta xé thân ta thành đàn mối/ Bu vào ánh mắt/ Viết những hoài niệm trên ngàn vạn cánh rơi” (Đôi mắt trăng xanh)... Anh tự vấn, tự chiêm nghiệm rất nhiều lần và lần nào cũng đắm mình trong thế giới cô độc ấy; không nhiều lời, mà cứ trầm lặng trong miền tâm tưởng nhưng lại khơi dậy được những cảm thức sâu xa cùng sự đồng cảm của người đọc: “Có một người khóc ngày/ Không mặt trời/ Đợi con chim/ bay qua vốc núi/ Trong đáy sâu thăm thẳm cô đơn/ người nghĩ đến kinh doanh nước mắt” (Nước mắt).

Ở những bài thơ sau này, không bị gò bó trong các thể thơ truyền thống, Bùi Minh Vũ thoải mái tung phá ngôn từ, âm vận để cho tính siêu thực được nhân lên nhiều lần: “Em vẫn bước qua khóm trăng già/ Tôi thấy đêm hiện ra màu sơn nước/ Lõm bõm trộn với sương non pha chút trăng/ xanh giọt thánh thót” (Người che mặt); hoặc: “giá như chẳng có những khoảng cách/ chỉ là nước/ mênh mang tan trong/ nhưng anh là cục đá thật thà/ lăn lóc dọc đường/ cục đá mùa đông/ bơi trong giấc mơ em” (Cục đá).

Mới mẻ về ý tứ, phá cách trong câu từ, những nỗ lực tự làm mới mình đã tạo nên một miền thơ Bùi Minh Vũ đáng đọc.

Lê Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.