Trốn vé đêm chèo
Đình làng Yên Phó thỉnh thoảng có đoàn chèo của tỉnh về diễn. Khi ấy cả làng đông vui hơn có hội!
Ai cũng thấy chộn rộn. Đến tối mới diễn mà ngay từ đầu ngày mọi người đã bảo nhau hôm nay phải nghỉ sớm hơn mọi khi để về kịp dọn dẹp, tắm rửa lên đình sớm chọn chỗ ngồi đẹp. Tuy vậy, bọn trẻ con làng mới là những kẻ háo hức hơn ai hết. Cả ngày hôm ấy chúng chẳng làm gì cho ra hồn, làm quấy quá cho xong việc. Bảo xúc lúa ra phơi thì chúng làm vương vãi từ trong nhà ra ngoài sân, thậm chí còn vãi ra cả ngoài hàng rào. Mẹ sai lấy chiếc bát rót nước mắm thì bước hấp ta hấp tấp, chân nọ vấp chân kia ngã vỡ cả bát; bố bảo ra vườn hái mấy lá rau mùi tàu thơm bỏ nồi canh thì chúng vặt lá chè mang vào (vì mọi ngày thấy bố hay uống nước chè xanh). Bữa cơm chiều chúng ăn quấy quá cho xong rồi chùi mép đứng lên; bát đũa quăng ùm vào chậu, bảo “cứ để đấy đêm về con rửa”… Nói chung là hồn vía chúng bị vứt tít trên mảnh sân đình - nơi có những cánh màn nhung xanh đỏ gấp nếp rất đẹp đang đợi chúng tối nay…
Làng quê thuở ấy chưa có điện nên mới bảy giờ tối mà bốn bề đã phủ một màn đêm tối om. Trên con đường làng từng tốp, từng tốp người rủ nhau đi xem chèo chuyện trò rôm rả. Bước ra khỏi lũy tre làng là gặp ánh trăng suông bời bời trên đồng lúa, trên cảnh vật; là những làn gió phóng khoáng mát rượi cùng với dàn hòa ca của bầy ếch nhái. Dưới đồng tiếng cá quẫy nước tạo nên những vòng sóng lao xao sống động; đàn cào cào hai bên vệ cỏ bay túa lên, đụng cả vào người, tiếng cánh đập phành phạch. Nhưng trên hết, ồn ào nhất vẫn là lũ trẻ. Chúng lúc đi, lúc chạy, lúc ngồi thụp xuống túm tụm lại một chỗ bởi nghe có tiếng chú dế cồ vừa gáy bên vệ đường. Tốp thằng Trường, thằng Hòa, thằng Thông, thằng Minh… ra vẻ người lớn hơn, cứ sải bước phăm phăm nhằm sân đình mà tiến. Lý do bởi tối nay chúng chơi trò “trốn vé” vì không có tiền mua. Mà đã trốn vé thì phải có mẹo - cái mẹo láu cá của những thằng trẻ con đang tập làm… thám tử.
Đến cổng đình, đèn măng sông chiếu sáng trưng soi rõ ngọn tre trên đầu với đàn muỗi, bầy thiêu thân hàng nghìn con bay loạn xạ chung quanh; thỉnh thoảng có những cánh dơi lao vun vút bắt muỗi. Người đông nườm nượp trước cổng xét vé. Chỉ có hai anh thanh niên xé vé nên chiếc cổng nhỏ ùn ứ người xô đẩy nhau. Đây chính là lúc thời cơ thuận lợi nhất để những thằng trốn vé lủi vào. Khuỵu người xuống sao cho thật thấp dưới đầu gối người lớn, chúng dịch chuyển vào phía trong. Tốp có năm thằng thì bốn thằng thoát cửa trót lọt, riêng thằng Thông to xác mà ngốc. Chưa qua khỏi cửa, chưa vào được phía trong nhưng có lẽ bị ngộp nên nó đã ngoi lên và bị túm tai lôi ra ngoài. Nhưng không sao, dăm phút sau Thông ta lại tiếp tục cái trò nấp dưới chân người lớn để mò vào trong; có điều nó đã rút được kinh nghiệm không ló cái đầu lên quá sớm để bị tóm. Tốp bốn thằng vẫn đứng đợi phía trong, chờ Thông vào để nhập bọn.
Đêm ấy đoàn chèo của tỉnh diễn vở “Quan âm Thị Kính”. Hồi hộp nhất là khi ba hồi trống gióng lên rồi hai cánh màn nhung từ từ kéo ra. Cô diễn viên giới thiệu đẹp như tiên trong bộ cánh mớ ba mớ bảy cất giọng nói hay đến mê hồn. Cả sân đình đông kín người lặng phắc, nghe như nuốt lấy từng lời. Rồi thì một tốp gần hai chục diễn viên cả nam lẫn nữ từ hai bên cánh gà tiến ra, vừa múa vừa hát; nữ thì vẫy quạt thật khéo, cứ như những cánh bướm đang vẫy, nam thì đứng hát rồi thỉnh thoảng lại cầm tay bên nữ, mắt liếc đưa tình ngọt như kẹo (từ bọn trẻ con làng Yên Phó thường dùng). Khoái nhất là khi Thị Mầu bước ra vừa uốn éo vừa đối đáp “Nhà tao có chín trâu”, rồi “tao đẹp nhất nhà”; đoạn anh Nô tư tình với Thị Mầu, bị Thị Mầu úp cái thúng lên đầu, bảo phú ông rằng đấy là cái trống làng gửi. Khi phú ông cầm dùi trống nện vào thúng thì cả sân đình rộn lên tiếng cười. Cũng có đoạn cả sân đình lặng phắc khi nghe Thị Kính hát điệu Sử rầu than về phận mình phải chịu tiếng oan đành cắt tóc giả trai lên chùa đi tu. Dưới sân đình có tiếng sụt sịt thương cho phận gái nữ nhi; nhiều bà, nhiều chị kéo vạt áo lau nước mắt…
Chèo tan thì cũng đã chín giờ. Dòng người lại túa về các ngõ xóm mang theo lời bình luận về vở chèo. Riêng bọn trẻ còn nán lại để được đến thật gần xem các anh, các chị diễn viên như thế nào mà tài giỏi vậy, múa đẹp, hát hay đến vậy. Chúng còn lanh chanh chạy đến giúp anh phụ công cuốn dây, bê đạo cụ lên xe ôtô cho tận khi hết việc mới ra về. Tốp thằng Trường khi về đến cái cống gạch xây qua con ngòi của làng thì bảo nhau ngồi nghỉ tí cho “thỏa mãn cái tâm thần”. Gió đồng về đêm mát rượi. Thằng Thông nằm trên bệ cống khi nãy còn đang oang oang cãi nhau với thằng Minh về nhân vật Thị Mầu và Thị Kính cô nào đẹp hơn, vậy mà lúc sau đã thấy nó im phắc. Thằng Hòa bước đến ghé sát vào mặt Thông nhìn thì mới biết hắn đã “khò” tự bao giờ. Cả bọn vẫy tay, lặng lẽ bảo nhau chuồn, kệ Thông nằm ngủ. Hú vía, vậy mà sao thằng Thông cũng dậy và về nhà được. Hú vía là bởi trong khi ngủ chỉ cần Thông trở mình là sẽ lăn tùm xuống nước, và sự thể không biết sẽ ra sao…
Đúng là trẻ con luôn có “mụ đỡ” để chúng chẳng bao giờ phải gặp nguy hiểm. Chuyện này mãi sau bố mẹ thằng Thông mới biết do thằng Hòa kể lại. Trong tốp trẻ của làng Yên Phó ngày ấy, thằng Điền có năng khiếu về ca hát, từ sau cái đêm xem vở chèo “Quan âm Thị Kính” nó đã quyết tâm thi vào ngành chèo và đã đỗ, được nhận vào đoàn chèo của tỉnh. Nghe nói sau đấy nó được phân đóng vai Thiện Sĩ, là chồng của Thị Kính khi chưa cắt tóc đi tu. Vai diễn ngắn, nhưng mỗi khi nó cất giọng hát điệu “Duyên phận phải chiều” lại khiến trái tim bao cô gái làng phải thổn thức, nhớ nhung: “Duyên phận ơi, ta phải chiều; này ai ơi (chứ) đôi thời, đôi chúng ta…”.
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc