Đón các bạn học sinh K.8
Trong những ngày máy bay Mỹ bắn phá ác liệt thì một sự kiện có thể nói là rất trọng đại với học sinh làng Yên Phó là được đón những bạn K.8 từ các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị sơ tán về làng.
Nguyên nhân của việc các bạn nhỏ hai tỉnh trên phải sơ tán là do cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ thực hiện ngày càng trở nên khốc liệt, vùng đất miền Trung trở thành “chảo lửa” bị máy bay Mỹ dội bom ngày đêm nhằm cắt đứt mạch máu giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam. Để bảo toàn tính mạng cho thế hệ tương lai, Nhà nước Việt Nam đã chủ trương sơ tán hơn 30.000 học sinh từ 5 - 15 tuổi ở các vùng Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ (thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị) ra sinh sống và học tập tại các tỉnh phía Bắc là Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình. Kế hoạch sơ tán này được gọi tắt là K.8, và các bạn nhỏ đi trong dịp ấy được gọi là “Học sinh K.8”. Mỗi gia đình ở các tỉnh nơi các bạn đến nhận chăm sóc một hoặc hai bạn nhỏ và các bạn được ăn học, được yêu thương như con cháu trong nhà, không có bất cứ sự phân biệt nào; đều được gọi là con, thân yêu như ruột thịt.
Ngày đón các bạn K.8, cả làng Yên Phó vui như có hội. Làng khi ấy có bảy xóm, xóm của tốp thằng Trường, thằng Thông, thằng Minh, thằng Hòa… là xóm bảy. Khỏi phải nói mấy thằng vui như thế nào, vui đến chộn rộn, đến mất ăn mất ngủ từ vài ngày trước. Khi chiếc xe ôtô phủ lá ngụy trang kín mít ầm ì từ mãi ngoài đầu xóm, chúng đã ba chân bốn cẳng phóng như lao ra, í ới chạy sau xe, đu cả vào sau thùng xe mà chỉ trỏ, mà la hét; tiếng của chúng lẫn vào tiếng xe, vào bụi khói phun ra mù mịt. Vào đến sân kho hợp tác xã, chiếc ôtô dừng lại, các bạn K.8 bước xuống xe, sự mệt mỏi sau chặng đường dài khiến nhiều bạn khuỵu xuống; có bạn mới năm tuổi nhỏ lóc chóc chú lái xe phải bế xuống. Những người lớn trong làng đã đứng chờ từ sớm ào đến đỡ các bạn xuống xe; nhiều người vừa bế vừa hôn các bé mà nước mắt trào ra tự khi nào. Không thương sao được khi mới ngần ấy tuổi các bé đã phải xa bố mẹ để đến một nơi ở mới không hề quen biết. Rồi bác đội trưởng cầm danh sách đọc tên từng bạn về ở các gia đình trong xóm. Bọn trẻ làng đứng chờ, im thít và trật tự hồi hộp chờ xem bạn nào sẽ về ở nhà mình. Rồi chúng ào đến dắt tay, xách bọc quần áo của người bạn mới về nhà mình; thận trọng và nhẹ nhàng như người lớn, miệng thì thầm hỏi chuyện bạn, cứ như đã thân thiết từ lâu.
Từ ngày có các bạn K.8 về ở, làng Yên Phó vui hẳn lên. Vui vì nhà có thêm người, thêm giọng nói, tiếng cười; các bậc phụ huynh thấy như mình được chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào nơi tuyến lửa; được đóng góp công sức vào cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Bọn trẻ trong làng thì vui vì có bạn mới, nhà mình có thêm một “ông anh trẻ con” hoặc một “thằng em con nít” do phân vai theo tuổi trong nhà (đứa nào lớn tuổi thì làm anh, đứa nào nhỏ thì chịu phận em). Vui nhất là mỗi lần nghe bọn trẻ miền trong nói thì người trong nhà cứ phải hỏi lại, rồi dùng óc phán đoán để hiểu xem chúng nói gì. Bà Đức khi bảo cái Ngân làm việc này, việc kia thì hắn cứ “dạ” thay vì “vâng”; nhắc đi nhắc lại thì hắn cũng cứ “dạ”, mãi sau mới biết “dạ” tức là “vâng”, là đã nghe rõ. Rồi những từ có dấu hỏi, dấu sắc, từ địa phương vùng Quảng Bình, Quảng Trị cứ như đánh đố người thôn quê. Lại nữa: “không thấy” thì chúng nói là “nỏ chộ”, “cái bát” thì gọi là “cái tộ”, “nước” là “nác”, lửa thì chúng bảo “lả”… Cứ thế vừa nghe vừa hỏi, mãi rồi cũng quen. Người lớn cười, trẻ con cũng cười… Các bạn K.8 cũng rất giỏi tham gia việc đồng áng, việc nhà; tham gia cùng bọn trẻ làng đi câu cá sông, đánh dậm cáy, thách nhau bơi qua con sông Vạc khi thủy triều lên rộng mênh mông không còn thấy đâu là bến bờ…
Lớp sáu của thằng Trường từ bốn mươi đứa giờ thêm mười hai bạn học sinh K.8 nhập học nên nhiều bàn phải xếp thêm đứa ngồi. Có chật thêm chút nhưng đứa nào cũng thích có bạn mới ngồi xen. Trên lớp bảy của thằng Thứ, thằng Bắc, con Thủy có cái Tứ và cái Ngọc sao xinh thế không biết. Cả hai đứa con gái đều có nước da trắng, má lúc nào cũng đỏ hồng. Cái Tứ thì tóc dài da trắng, cái Ngọc thì má bầu môi đỏ, đến bọn con gái trong làng nhìn cũng phải thèm. Cái Tứ lại có giọng hát cực hay; cứ đêm nào có hội ở sân đình là nó lại được giới thiệu lên hát bài “Bước chân trên dải Trường Sơn” với những câu: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn, ta đi nhằm phương xa gió ngàn đưa chân ta về quê hương…”. Cái Ngọc thì lại hay hát điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được soạn lời mới “Chào tạm biệt ơi miền Trung, Chào tạm biệt ơi người thương, mang câu hò của vùng xứ Nghệ, dòng sông Lam, núi Hồng quê mẹ, mà người đi… (hớ hơ hờ) đâu kể… xa… (hớ..hờ) gần”. Có lẽ cả Ngọc và Tứ đều nhớ quê, nhớ mẹ cha da diết nên chúng hát để thỏa nỗi lòng. Có điều đến năm học sau thì thằng Thình, thằng con trai cao lộc ngộc hơn thằng Trường, thằng Thông, thằng Hòa hẳn một cái đầu chẳng hiểu vì sao, tài cán gì mà nó tán đổ được một trong hai đứa con gái đẹp như tiên ấy. Thằng Thình có tài huýt sáo miệng, thường nhại lại những bài hát mà hai đứa kia hay hát; rồi thì cái đôi mắt ti hí lá răm của nó cứ đưa, cứ liếc như… thằng đểu (từ mà bọn thằng Thông hay gọi) đã khiến cái Ngọc phải… quỵ! Bọn trai làng tức lắm, nhất là thằng Bắc, thằng Thứ, nhưng chẳng thể nào “xoay ngược tình thế”. Nhưng rồi đấy cũng chỉ là tình yêu tuổi học trò, bởi sau đấy khi cuộc ném bom bắn phá của Mỹ kết thúc thì cùng với các bạn học K.8, Ngọc và Tứ lại trở về nơi chôn nhau cắt rốn, mang theo bao kỷ niệm ở nơi sơ tán cùng nỗi lưu luyến nhớ thương của bọn học trò làng cũng như bà con làng Yên Phó…
Có một điều mà mãi sau này khi tìm hiểu qua các tài liệu, thằng Trường (giờ đã lên chức ông) mới được biết đến sự hy sinh đau xót của các bạn học sinh K.8 trong quá trình vượt hàng nghìn cây số ra miền Bắc ngày ấy. Đó là: “Ngày 28-7-1967, chiếc xe chở 40 em học sinh của xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) và 2 thầy giáo trên đường sơ tán ra Thái Bình bị trúng bom tọa độ của máy bay Mỹ ở làng Mỹ Trung, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Kết quả 39 em học sinh và một thầy giáo bị tử nạn, chỉ một em sống sót là Trần Văn Khỏe (8 tuổi) và thầy giáo Nguyễn Văn Lý quê ở xã Vĩnh Hiền. Một chuyến xe khác chở 30 em nhỏ trên đường 22B ra đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì gặp nạn, 20 em bị chết, 10 em bị thương, mang thương tật suốt đời. Kết thúc chiến dịch có 70 con em Vĩnh Linh tử nạn, trong đó có 59 thiếu nhi”.
Ôi một thời máu lửa đã qua! Nhớ mãi những ký ức êm đềm cùng các bạn học sinh K.8 thân yêu trên đất làng Yên Phó ngày nào!
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc