Multimedia Đọc Báo in

"Thắp lửa" cho đời sống mỹ thuật Đắk Lắk

08:53, 25/10/2017
Đời sống mỹ thuật Đắk Lắk lâu nay vốn trầm lắng vì nhiều lý do: thiếu tụ điểm để cho các họa sĩ giao lưu, gặp gỡ và trưng bày tác phẩm; hoạt động quảng bá, giới thiệu và triển lãm tranh ít được tổ chức; hệ thống gallery cùng đội ngũ giám tuyển hội họa lại càng không có, khiến giới cầm cọ khó theo đuổi và sống được với nghề.

Trong bối cảnh đó, một số họa sĩ ở đây đã tìm cách “thắp lửa” cho đời sống mỹ thuật vốn rất khắt khe và không đại chúng này bằng nhiều cách, và trong những điều kiện khác nhau. Họa sĩ Hồ Hậu thì mở quán cà phê tại nhà riêng (số 3 đường Giáp Hải –TP. Buôn Ma Thuột) vừa để mưu sinh, vừa tạo ra “sân chơi” cho anh em họa sĩ đưa tác phẩm đến đây giới thiệu với bạn bè và công chúng.

Họa sĩ Phùng Đạt cũng tự mình theo đuổi cuộc chơi tại tụ điểm quán Cà phê Văn đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Buôn Ma Thuột). Ở đó, họ được chia sẻ cảm xúc sáng tạo của mình với đồng nghiệp, khách hàng dù thi thoảng mới bán được một đôi bức tranh lấy lệ. Vấn đề quý nhất là ở chỗ, trong số những người mê hội họa và thường lui tới các địa chỉ trưng bày tranh nói trên, có không ít anh chị đứng ra làm cầu nối đưa công chúng đến với hội họa ở vùng đất chưa hề có “yếu tố thị trường” dành cho bộ môn nghệ  thuật này. Họa sĩ Hồ Hậu cũng như nhiều người khác cho rằng, như thế cũng vui lắm rồi, còn hơn sáng tác xong phải ngậm ngùi “nhốt” đứa con tinh thần của mình vào kho, hoặc gầm tủ.

Công chúng đến với triển lãm Mỹ thuật “Gặp gỡ Cao nguyên” được tổ chức  tại Trung tâm Văn hóa Đắk Lắk (3-2017).
Công chúng đến với triển lãm Mỹ thuật “Gặp gỡ Cao nguyên” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Đắk Lắk (3-2017).

Có thể nói, niềm vui của những người “thắp lửa” ấy, được hiểu và chia sẻ bởi một điều giản dị rằng, ít nhiều nơi những quán cà phê kiêm luôn vai trò gallery không chuyên nghiệp kia cũng có gương mặt thứ ba là công chúng  tham gia tranh luận, phản biện và hơn thế là đòi hỏi chủ thể sáng tạo phải làm gì, đi theo hướng nào trong việc định hướng và phát triển mỹ thuật ở vùng đất cao nguyên này. Điều đó thật có ý nghĩa trong bối cảnh đời sống mỹ thuật Đắk Lắk vốn dĩ buồn và trầm lắng, ít thấy hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nói chung và công chúng yêu hội họa nói riêng. Có chăng, thi thoảng trong vài năm, thậm chí nhiều hơn… mới có một vài triển lãm mỹ thuật do giới họa sĩ trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đứng ra tổ chức và giao lưu.

Mới đây, khoảng giữa năm 2017, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Đắk Lắk – họa sĩ Hồ Hậu cho hay, họ đã kết nối được với nhóm “Đồng chất” ở TP. Hồ Chí Minh để sáng tác, quảng bá và giới thiệu tranh của mình trên mạng xã hội để cho công chúng tiếp thị, mua bán trực tiếp thông qua mối quan hệ, tương tác của những người cùng nhóm.

Theo họa sĩ Hồ Hậu, “tôn chỉ” của nhóm “Đồng chất” là vẽ lại những gì gần gũi, chân thật diễn ra chung quanh ta; không liên tưởng, thách đố hay tuyên ngôn cho bất kỳ xu thế, trường phái hội họa nào, vì thế rất được công chúng yêu mỹ thuật đón nhận. Hơn thế là họ đã đặt hàng mua tranh trực tiếp từ các họa sĩ thành viên trong nhóm.

Ở Đắk Lắk, một số họa sĩ như Hồ Hậu, Lê Vấn, Phùng Đạt, Trương Văn Linh, Nguyễn Thu Vân… đã kết lại một nhóm, hoạt động theo đường hướng này. Và họ đang bắt đầu sống được và lan tỏa với nghề bằng những việc làm, lượng hóa cụ thể như cùng nhau đi thực tế sáng tác, trao đổi chuyên môn và đặc biệt là có số tác phẩm bán ra thị trường với số lượng ngày càng nhiều và giá cả hấp dẫn hơn.

Hy vọng đây là cánh cửa mở ra khung trời mới cho mỹ thuật Đắk Lắk để anh em cầm cọ theo đuổi đam mê của mình. Qua đó, đem lại cho công chúng nhiều hơn những cảm xúc đẹp đẽ và giàu ý nghĩa khi điều kiện cho phép họ đứng ra tổ chức giới thiệu, triển lãm mỹ thuật cho mình, hoặc cả nhóm tại không gian thích hợp, góp phần hình thành nên đời sống mỹ thuật thật sự sôi động trên vùng đất giàu bản sắc văn hóa này.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.