Tiếng sáo đêm trăng
Những năm ấy, do cuộc sống nghèo khó, lại đang chiến tranh nên sinh hoạt văn hóa tinh thần rất nghèo nàn. May ra cả tháng được một bữa chiếu phim; hai, ba tháng mới có một tối diễn chèo hoặc kịch nói do các đoàn của tỉnh về diễn ở sân đình.
Nội dung các bộ phim, các vở kịch nói đều phản ánh tinh thần sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; các vở chèo phần nhiều là chèo cổ như “Lưu Bình Dương Lễ”, “Quan âm Thị Kính”, vở mới có “Đường về quê mẹ”, “Anh lái xe và cô chống lầy”... Về phim, chủ yếu là các bộ phim của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, như: “Chúng tôi bảo vệ chính quyền Liên bang Xô viết”, “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”, “Bài ca người lính”, “Trên từng cây số”… Người quê xem chả hiểu gì, tên nhân vật trong phim toàn là tên Tây nên cũng chẳng thể nhớ nổi, vậy nhưng cứ thích bàn luận cho xôm câu chuyện ngoài đồng…
Bù lại, làng Yên Phó thường có tiếng sáo trúc réo rắt những đêm trăng. Ở xóm 7 có anh Nho thổi sáo cực hay. Anh Nho khi ấy khoảng mười lăm tuổi, hơn bọn thằng Hòa, thằng Thông sáu tuổi. Anh Nho tự làm sáo theo một quy chuẩn riêng với đủ các loại ống sáo to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Có ống to cỡ ngón chân cái dài hơn nửa mét, khi thổi kêu trầm như tiếng tiêu; lại có ống nhỏ như ngón tay út, ngắn chừng ba mươi phân, tiếng thanh vang réo rắt, làng trên xóm dưới đều nghe rõ. Các bài sáo anh Nho hay thổi là: “Tiếng hát sông Lam”, “Mời anh đến thăm quê tôi”, “Chàm rông”… Ngoài thổi sáo trúc, anh Nho còn huýt sáo miệng cực hay. Nhiều buổi chiều trời vàng nắng, xóm vắng lặng bởi mọi người đi làm ngoài đồng hết, những lúc trèo lên mái nhà chỉnh lại những viên ngói hở, hoặc những khi mang rau ra bờ ao rửa… anh Nho đều huýt sáo miệng. Tiếng sáo từ trên mái nhà vọng xuống hay từ bờ ao vút lên trong buổi chiều vắng của miền thôn quê cứ réo rắt lan vào cửa mỗi nhà, lan xa lên ngọn tre bờ nứa, trên mặt ao vắng của mùa thu heo may…
Thằng Trường thì lại đến với cây sáo như một duyên nợ. Mẹ Trường đi mò cua ngoài đồng dẫm phải một cây sáo dưới bùn bèn rửa sạch mang về cho Trường. Hắn ta tập thổi ngày thổi đêm, chẳng nhạc lý, chẳng bài vở nào; cứ nhọn mỏ phun phù phù vào lỗ sáo, mãi rồi cũng thành tiếng; ngón tay bấm lỗ sáo uyển chuyển dần. Bài đầu tiên Trường thổi nghe ra bài ra bản là "Xòn xòn xòn đô xòn...". Khi đã thổi được nhiều bài, Trường hứng chí làm thêm nhiều ống sáo khác. Nó đi tìm ống nứa trong vườn nhà bà Xán, vườn bà Thiểm về phơi khô, lấy mẫu trên cây sáo cũ rồi cứ thế nhân bản ra nhiều ống to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Có cây sáo làm đến mướt mồ hôi nhưng khi thổi thì không kêu hoặc lạc nốt khiến bao công sức bỏ ra thành công cốc...
Những đêm trăng khi mọi việc cơm nước, rửa bát đĩa đã xong, Trường trải chiếu ra giữa sân nằm thổi sáo. Tiếng sáo dạo ban đầu nghe đôi chút ngập ngừng, nhưng rồi sau đấy khi đã vào nhịp được những nốt đầu tiên của bài "Tiếng hát trên đường quê hương" thì cái véo von của tiếng trúc bắt đầu lan xa: "Ai đã tới miền quê em Quảng Trị - Thừa Thiên, qua đường Chín vùng Gio Linh lắng trong giọng hò...". Trường thổi sáo như mê đi, dồn tâm huyết, cảm xúc vào tiếng sáo; đầu gối cao, chân vắt chữ ngũ nhịp nhịp theo điệu bài hát. Trăng sáng như dát vàng khắp vuông sân, khắp mặt ao, bờ tre rặng nứa; gió thì thào nhè nhẹ trên mái nhà, trên đồng lúa như làm nền cho tiếng sáo bay khắp làng trên xóm dưới. Con Vàng thôi sủa, nằm khoanh tròn trên hè; bầy gà trong chuồng cũng lặng yên gà gật như cùng đang thưởng thức tiếng sáo. Hết bài này sang bài khác, hết "Quảng Bình quê ta ơi" sang "Anh vẫn hành quân" rồi "Tiếng đàn Ta Lư" rộn rã, chuyển sang "Lý hoài Nam" da diết: "Chiều ớ ờ chiều, dắt ớ ơ bạn, đèo mà qua đèo, này đèo mà qua đèo...".
Trăng lên cao, cả vùng quê thanh bình trong tiếng sáo trúc ngân vang, thánh thiện như miền cổ tích. Lúa uốn câu ngoài đồng, cá quẫy dưới bờ ao từng vòng sóng lóng lánh. Bóng lá ngoài vườn đổ dần về mảnh sân hẹp. Bầy vạc đi ăn đêm gọi nhau giữa tầng không báo rằng đêm đã muộn. Tiếng sáo cũng ngừng, để lại một vùng trăng yên ắng với lấp lánh ánh bạc trên ngọn dừa, tàu chuối, với mát lạnh trong những giọt sương rơi...
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc