Multimedia Đọc Báo in

Noi theo bạn Khóa, bạn Khoa

18:12, 02/12/2017

Năm bọn trẻ làng lên lớp 7, có hai “thần tượng” khiến đứa nào cũng ngưỡng mộ và muốn mình làm được như vậy: bạn Đỗ Nguyên Khóa một mình dũng cảm bắt sống phi công Mỹ và bạn Trần Đăng Khoa làm thơ hay như… người lớn.

Đỗ Nguyên Khóa là người xã Khánh Cường, cách làng Yên Phó, xã Khánh An chừng bảy cây số. Năm ấy Khóa cũng học lớp 7 như bọn thằng Trường. Trong các buổi học ngoại khóa về cách tránh máy bay địch ném bom và cách sơ cứu, băng bó khi bị thương, các thầy cô giáo thường kể câu chuyện về bạn Khóa dũng cảm một mình với chiếc đòn gánh trên tay đã dám bắt sống tên phi công Mỹ to kềnh to càng. Chuyện như sau:

Một buổi sáng Khóa đang cùng các bạn chơi trò nhảy lò cò thì nghe báo động có máy bay Mỹ. Xuống hầm trú ẩn nhưng Khóa vẫn ló đầu ra ngoài xem pháo cao xạ của các chú bộ đội giáng trả lại tốp giặc trời. Chợt một bó lửa bùng lên vây lấy chiếc máy bay rồi một cánh dù trắng bung ra bay chấp chới giữa trời. “Máy bay cháy, phi công nhảy dù chúng mày ơi!” - Khóa kêu to rồi lao ra khỏi hầm. Cầm vội chiếc đòn gánh dựng ở góc bếp, cậu ta chạy nhanh về phía chiếc dù rơi xuống. Đến nơi, khi tên phi công còn đang vướng trong đám dây nhợ lùng bùng của chiếc dù, Khóa giơ chiếc đòn gánh lên dọa, miệng hô to: “Han-sơ-ấp”(giơ tay lên). Thực ra câu tiếng Anh ấy Khóa cũng chỉ nghe qua các thầy cô dặn khi gặp phi công Mỹ nhảy dù thì hô vậy, chứ ngày ấy chưa trường phổ thông nào ở vùng nông thôn có chương trình dạy tiếng Anh. Tên phi công sau phút ngỡ ngàng đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh khi thấy trước mặt mình chỉ là thằng nhóc con khoảng mười một, mười hai tuổi nên nếu nó có vụt “cây gậy” kia xuống đầu thì cũng nhẹ hều; vả lại đã có mũ, áo phi công che chắn… nên hắn định móc bộ đàm ra để gọi đồng bọn đến cứu. Khóa hiểu ra điều ấy nên đã nhanh tay giật phắt chiếc bộ đàm, tước khẩu súng ngắn bên hông tên “giặc lái”. Vừa lúc ấy, bà con làm đồng ở khắp các ngả cũng đã kịp ập tới thu dù, giải tên phi công về trụ sở xã. Hành động dũng cảm của Khóa đã giúp ngăn chặn kịp thời việc máy bay Mỹ liên hệ được với tên phi công, ào đến bắn phá để cứu đồng bọn. Việc làm phi thường của Khóa đã được biểu dương trên báo chí, trên các đài phát thanh; và các trường học trong tỉnh đã lấy tấm gương của Khóa để phổ biến cho học sinh học tập, noi gương.

Sự kiện thứ hai là bạn Trần Đăng Khoa ở Hải Dương từ bé tí đã biết làm thơ và đã có những bài thơ thật hay. Thực ra ban đầu bọn trẻ chẳng quan tâm lắm, vì chúng khoái chơi, khoái học toán hơn là làm thơ. Tuy nhiên, các thầy cô dạy văn đã ca ngợi Khoa như một “thần đồng” rồi lấy thơ Khoa ra để phân tích, khuyến khích chúng học… làm thơ. Các thầy cô bảo: “Các em cần phát huy trí tưởng tượng của trẻ thơ thì chắc chắn có ngày sẽ làm được thơ hay như bạn Khoa”. Thậm chí trong một buổi học, cô Ly dạy văn còn dành hẳn thời gian một tiết học để phân tích bài “Đám ma bác giun” của Khoa. Bài thơ theo thể lục bát có mười hai câu, miêu tả cảnh bác giun đào đất sau nhà bị chết, họ nhà kiến đi đưa ma có kiến trẻ, kiến già, kiến cánh, kiến lửa, kiến kim, kiến càng… tất cả đều ảo não, đau buồn. Khi đến hai câu kết: “Kiến đen uống rượu la đà; bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần”, cô Ly phân tích: “Các em thấy không? Ý nghĩa của bài thơ vô cùng sâu sắc. Trong khi giai cấp cùng khổ là nhân dân lao động, mà ở đây là kiến cánh, kiến lửa, kiến kim… đau buồn trước sự ra đi của “một người cả một đời cần mẫn đào đất dựng xây” - ý chỉ bác giun, thì “giai cấp phong kiến, giai cấp bóc lột”- là kiến đen, kiến gió lại vui vẻ chè chén, chia phần trên nỗi đau của người khác. Bản chất xấu xa của chúng được Trần Đăng Khoa lột tả thật sinh động…”. Khỏi phải nói, sau bài phân tích của cô Ly, bọn trẻ mới thấy bạn Khoa tài như thế nào, “sâu sắc đến thế cơ chứ”- chúng bảo nhau. Rồi sau đấy thì chúng yêu môn văn hơn, nhiều đứa còn tập làm thơ để mong được “nổi tiếng như bạn Khoa”. Kết quả chỉ toàn những bài thơ “con cóc” nhưng  “quan điểm giai cấp”, “ lập trường địch, ta” lại rất rõ ràng. Nếu bạn Trần Đăng Khoa có câu thơ là: “Chúng tôi đến lớp ngày ngày; mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men…”, thì chúng viết: “Mũ rơm em đội trên đầu; bom Mỹ rơi xuống chỉ thời vuốt râu”… Viết xong chúng đều đưa cô Ly xem, nhận xét. Bài nào cô Ly cũng bảo “Được, nhưng em cần trau dồi thêm cho có cảm xúc thực…”. Chẳng gì thì cô Ly cũng đã thành công trong việc khơi gợi ý thức học môn văn cho lứa học trò của mình.

Ngày ấy còn có một tấm gương dũng cảm cứu em nhỏ dưới làn bom đạn của máy bay Mỹ là bạn Nguyễn Bá Ngọc ở Thanh Hóa. Theo lời kể của cô Yểng dạy môn lịch sử thì: “Khi máy bay Mỹ ào đến ném bom, các bậc cha mẹ đều đi làm vắng ở ngoài đồng, một mình Nguyễn Bá Ngọc đã bình tĩnh đưa các em nhỏ trong xóm xuống hầm trú ẩn. Ngồi dưới hầm, vẳng nghe tiếng trẻ con khóc thét bên nhà hàng xóm, Ngọc đã lao ra đưa hai em bé đang khóc xuống hầm. Thấy quả bom nổ gần đấy, Ngọc đã nằm đè lên trên che chắn cho hai em. Kết quả Ngọc trúng mảnh bom hy sinh, nhưng hai em bé được cứu sống”. Ngay sau đấy bài hát “Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm” ra đời, được thiếu nhi cả nước hát vang trong các dịp hội lớp, trong các buổi sinh hoạt Đội thiếu niên tiền phong...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.