Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ mới chịu lên “sàn” ?

16:51, 16/04/2010

Trước thực trạng hàng loạt các đại lý thu mua cà phê trên địa bàn Dak Lak đổ bể, khiến không ít hộ nông dân lỡ ký gửi cà phê vào đây lâm vào cảnh trắng tay, thậm chí nợ nần đã buộc nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao không tham gia Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột để giảm thiểu rủi ro cho mình trong hoạt động mua bán, giao dịch mặt hàng vốn tiềm ẩn sụ thất thường và bất ổn này?

Câu hỏi đặt ra thật sự đã chạm vào cung cách tư duy của người sản xuất lẫn người kinh doanh trong hoạt động mua bán và giao dịch mặt hàng cà phê.
Đứng về phía các nhà tổ chức hoạt động của sàn giao dịch cà phê mà nói thì họ chưa thật sự đồng hành cùng người làm cà phê như chiến lược phát triển tổng thể ngành kinh tế mũi nhọn - cà phê đã được chính quyền Dak Lak hoạch định từ nhiều năm qua. Bởi, như lãnh đạo Sở Công thương thừa nhận, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như việc ban hành những định chế giao dịch của sàn nhằm thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia còn yếu và bất cập. Mặc dù trong gần 3 năm qua, kể từ khi sàn giao dịch này ra đời đã có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp hơn với thực tế như: hạ thấp lượng cà phê ký gửi vào đây được để làm thành viên từ 5 tấn xuống còn 1 tấn; từ 1 tấn trở lên là có thể thực hiện được một phiên giao dịch trên sàn; nhiều thủ tục hành chính khác cũng được giản lược…, nhưng số thành viên và lượng cà phê được ký gửi vào đây vẫn quá khiêm tốn, hiện mới có 21 thành viên và khoảng 1.000 tấn cà phê - một con số được đánh giá chỉ bằng, hoặc thua một đại lý cấp 3 ở tuyến huyện (!) Như vậy, rõ ràng vai trò chủ động bình ổn giá cả và hơn thế là góp phần giảm thiểu những rủi ro cho người sản xuất, kinh doanh cà phê mà sàn giao dịch đặt ra khó có thể đạt được. Nhất là vào thời điểm hiện nay, khi mà không ít đại lý thu mua, ký gửi cà phê trên địa bàn tỉnh bị phá sản, đẩy hàng trăm nông hộ lâm vào cảnh khốn đốn… càng cho thấy vai trò của sàn cà phê trên cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại một cách nghiêm túc.
       Phải thay đổi phương thức hoạt động để đảm đương yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hay là “chết” theo nghĩa hành chính thật sự là vấn đề buộc những nhà tổ chức, vận hành Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột phải suy nghĩ và quan tâm hơn bao giờ hết. Nói như một vị có trách nhiệm trong ngành công thương là không còn cách nào khác hơn là tăng cường  quảng bá mạnh mẽ đến người dân và toàn xã hội. Đồng thời phải mở thường xuyên những đợt hội thảo, tập huấn cho người sản xuất-kinh doanh cà phê trên địa bàn nhằm thay đổi tư duy mua bán, giao dịch cà phê theo lối truyền thống sớm chuyển sang sàn giao dịch an toàn, hiện đại hơn. Được như vậy thì mới mong sàn là địa chỉ tin cậy của mọi người. Bởi ít nhất cho đến lúc này, không ai đủ kiên nhẫn để tin cung cách mua bán, giao dịch cũ  với những cung đoạn “phi thương mại” từ các đại lý thu mua cà phê truyền thống trên địa bàn nữa. Và họ sẽ tìm đến giao dịch với sàn cà phê Buôn Ma Thuột là điều tất nhiên. Vấn đề còn lại là nhà tổ chức phải dẫn dắt họ đến với con đường ngắn nhất và phù hợp nhất.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.