Multimedia Đọc Báo in

Làm du lịch trước hết phải biết “làm” văn hóa

12:30, 15/05/2010

“Cả năm đầu tắt mặt tối, chỉ trông vào những dịp nghỉ lễ, tết để  cùng gia đình du lịch nghỉ ngơi, thư giãn nhưng xem ra sẽ sai lầm nếu đi vào những dịp này, bởi mọi chi phí đều tăng lên gấp 3. Chưa kể có tuor du lịch quảng bá một đằng nhưng làm một nẻo, tự ý cắt xén chương trình, điểm tham quan gây nhiều thiệt thòi cho du khách!”. Một chị bạn của tôi đã than thở như thế sau chuyến du lịch 4 ngày tại TP. Nha Trang trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.

Có chị thì thở phào: “May mà mình ở nhà, nếu đi đâu chắc cũng lại lâm vào cảnh: dịch vụ chẳng ra gì mà còn bị móc túi”. Quả thực, việc lựa chọn những dịp lễ tết để du lịch ai cũng lường trước được khó khăn, vất vả, do chất lượng dịch vụ kém, chi phí tăng cao, nhưng được cái, thời gian nghỉ kéo dài nên nhiều người lựa chọn du lịch trong dịp này.
Nắm bắt được nhu cầu đó, các đơn vị làm du lịch ra sức tăng cường quảng bá các tour để thu hút khách nhưng lại thiếu sự quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Thêm nữa, tình trạng “làm giá” xảy ra ngày một phổ biến, từ phòng nghỉ đến các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí đều tăng giá gấp đôi ngày thường, thậm chí có nơi gấp 3 - 4 lần, bộc lộ rõ lối làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Làm du lịch như vậy liệu có văn hóa, bền vững và có tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh?
Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói, nhưng xem ra nếu thiếu sự quản lý của Nhà nước với những chế tài xử lý đủ mạnh thì “ô nhiễm môi trường” là điều không thể tránh khỏi. Việc các cơ quan chức năng mỗi địa phương có sự phối hợp để tăng cường sự quản lý nhằm từng bước thiết lập lại nền nếp trong kinh doanh du lịch không chỉ cần thiết mà phải làm ráo riết, quyết liệt hơn. Văn hóa trong kinh doanh du lịch không phải là khái niệm mới, chính vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch phải có sự nhận thức đầy đủ về nó để du lịch không chỉ thực sự là ngành công nghiệp xanh mà còn mang ý nghĩa nhân văn. Và văn hóa nói đến ở đây không chỉ trong cung cách ứng xử, phục vụ mà còn là việc sử dụng những giá trị về thiên nhiên, lịch sử truyền thống trong kinh doanh du lịch sao cho văn hóa, phát huy được giá trị. Có như vậy hình ảnh Việt Nam qua ống kính du lịch mà bấy lâu chúng ta đang nỗ lực tạo dựng không bị méo mó trong con mắt của những du khách, nhất là đối với những du khách nước ngoài.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.