Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ...

15:33, 21/05/2010

Quả dưa hấu lớn nhanh như thổi trong… tủ lạnh chỉ sau một ngày, câu chuyện mà vị đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh kể bên lề Hội thảo về Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường do Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) phối hợp với Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô (Dự án GTZ - Đức) tổ chức đầu tháng 5 vừa qua tại thành phố Buôn Ma Thuột khiến nhiều người phải… rùng mình.

Rùng mình bởi ai cũng hiểu đó không phải là kết quả của quá trình tăng trưởng tự nhiên mà là hậu quả của “công nghệ” dùng thuốc kích thích tăng trưởng và còn rùng mình bởi chiêu thức kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, coi thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Mỗi lần nghe những thông tin kiểu như vậy, các bà nội trợ lại bày nhau cách làm “người tiêu dùng thông thái” là hạn chế dùng sản phẩm này, cẩn trọng khi sử dụng sản phẩm kia. Cũng từ những câu chuyện như thế, dễ lý giải vì sao khi góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường, hầu hết, nếu không nói là 100% ý kiến của các đại biểu trong cuộc hội thảo trên đều cho rằng danh mục đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật còn khiêm tốn. Cụ thể, Dự thảo Luật dự kiến đưa 5 nhóm hàng hóa (nhóm hàng hóa mà khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng) vào diện chịu thuế gồm: xăng dầu, than, môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Theo những dẫn chứng và lý lẽ khá thuyết phục mà các đại biểu đưa ra thì có nhiều đối tượng cần phải đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật như phân bón hóa học, thuốc lá, phương tiện giao thông…
Việc bổ sung, mở rộng thêm đối tượng chịu thuế trong Dự thảo Luật mục đích không đơn thuần là chuyện tạo thêm nguồn kinh phí để đầu tư, xử lý ô nhiễm môi trường mà quan trọng và ý nghĩa hơn là điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng thông qua biện pháp  kinh tế, tài chính. Tất nhiên Quốc hội là cơ quan cuối cùng có vai trò quyết định sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh và thông qua Luật. Vấn đề đặt ra ở đây là từ phần lớn ý kiến đề nghị mở rộng thêm đối tượng chịu thuế cho thấy có nhiều nguy cơ đe dọa môi trường sống, đòi hỏi cả cộng đồng chung tay trách nhiệm, bảo vệ, trở thành việc làm thường xuyên, không chỉ tập trung trong những đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới hay Tháng hành động Vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc