Cái vinh của sự học ngày xưa
11:19, 18/07/2010
Nhân dân ta vốn có truyền thống hiếu học. Người có học, nhất là người đỗ đạt cao rất được kính trọng: Chỉ nói đến lễ đăng quang các vị tân khoa, đủ thấy vinh dự của học hành, thi cử ngày xưa!
Dưới chế độ phong kiến có 3 kỳ thi: thi Hương (thi ở một số tỉnh, người đỗ đạt được gọi là cử nhân hoặc tú tài) thi Hội mở ở kinh đô cho những người đã đỗ cử nhân; thi Đình ở sân nhà vua dành cho những người đã đỗ kỳ thi Hội. Người đỗ đầu kỳ thi Đình là Trạng nguyên, thứ là Bảng nhãn, Thám hoa, sau các vị này là Hoàng giáp, cuối cùng là Tiến sĩ. Đỗ Tú tài gọi là: tiểu khoa (nhà Lê gọi là sinh đồ), cử nhân gọi là trung khoa (nhà Lê gọi là hương cống), phó bảng, tiến sĩ gọi là đại khoa.
Theo sách “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính thì: phàm đăng khoa có lễ phải đón rước. Đỗ tú tài thì thân bằng, quyến thuộc, lý dịch cắt cử đại diện, có 4-5 tuần phu cắp tay thước, thổi tù và đón về tư gia. Nơi hiếm người đỗ đạt thì cả tổng đón rước. Đỗ cử nhân thì quan sở sức giấy về cho làng, xã. Cả làng, cả xã, tổng đem lọng đình và đồ hợp với nghi thức long trọng, đích thân đến tỉnh hoặc trường thi (nơi công bố) để đón rước.
Lễ rước các vị tân khoa rất long trọng. Vị tân khoa vận trang phục vua ban, cưỡi ngựa (có thời kỳ đi võng đào “võng anh đi trước, võng nàng theo sau…) có lọng che có người mang điếu, tráp theo hầu, cờ mở, trống dong. Ông tiến sĩ mặc áo thụng màu lam, đội mũ triều đình, có hia, có hốt…
Các vị tân khoa tới lễ tạ ơn tổ tiên, thần làng, tạ ơn ông, bà, cha, mẹ và thầy dạy. Các vị đại tân khoa còn đến dâng lễ tạ ơn thầy dạy đầu tiên (lớp vỡ lòng) dạy “nhân chi sơ, tính bản thiện…”.
Những người thi trượt thường về làng dạy học và giúp đỡ dân về giấy tờ như viết văn tự, viết câu đối…
Như vậy những người đỗ đạt từ tú tài đến tiến sĩ đều có vị thế trong xã hội và được nể phục!
Phạm Duy
(st và soạn)
Ý kiến bạn đọc