Multimedia Đọc Báo in

Những kỷ lục thơ về Bác Hồ

11:08, 18/07/2010
Nhà thơ viết về Bác Hồ nhiều nhất: Đó là nhà thơ Nguyễn Văn Dinh (hiện ở tiểu khu 3, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới, Quảng Bình). Tính đến năm 2010, ông đã có hàng trăm bài thơ (trong đó phần lớn là thơ tứ tuyệt) viết về đề tài Bác Hồ. Năm 1990, kỷ niệm 100 ngày sinh của Bác, Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản tập thơ Hai con sóng của ông với chẵn 100 bài thơ viết về Người. Đến năm 2005, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in thêm tập Nhớ Bác Hồ của ông, gồm 115 bài thơ tứ tuyệt, nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác.
 
Bài thơ viết về Bác Hồ dài nhất: Đó là tác phẩm Từ làng Sen của tác giả Nguyễn Gia Ninh (hiện đã 61 tuổi, trú tại xã Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Để hoàn thành trường ca này, ông đã phải mất hơn hai năm đi khắp các hiệu sách báo để thu thập tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban đầu ông dự định tác phẩm sẽ dài 5.000 câu thơ lục bát, nhưng sau đó rút xuống còn 3.658 câu.
 
Bài thơ viết về Bác Hồ gây xúc động nhất: Đó là bài thơ Bác ơi của nhà thơ Tố Hữu, được viết ngày 6 tháng 9 năm 1969, sau khi Bác mất mấy ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là một tổn thất lớn lao, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giói. Trong niềm xúc động “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” đó, Tố Hữu đã viết bài thơ dài 52 câu, diễn tả nỗi đau lớn của dân tộc cũng như ca ngợi công lao vĩ đại của Người.
 
Cuộc thi thơ về Bác Hồ có quy mô lớn nhất: Đó là cuộc thi của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN). Năm 2005, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác, Báo Văn nghệ đã tổ chức cuộc thi thơ với chủ đề Bác Hồ của chúng ta. Cuộc thi chỉ kéo dài hơn một năm nhưng đã thu hút được hơn 2.500 tác giả với 7.950 bài thơ và trường ca viết về Bác.
 
Cuộc vận động sáng tác và quảng bá thơ về Bác Hồ dài nhất và sâu rộng nhất: Nằm trong khuôn khổ Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị (cuộc vận động kéo dài 5 năm, từ 3-2-2007 đến 3-2-2011), Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT (trong đó phổ biến nhất là thơ) viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được tiến hành trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
 
Nghệ sĩ ngâm thơ Bác Hồ hay nhất: Đó là nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết (hiện sống ở đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh). Khi còn công tác ở Ban Văn nghệ (Đài Tiếng nói VN), nghệ sĩ Trần Thị Tuyết là người thường xuyên được vào ngâm thơ cho Bác nghe cũng như ngâm thơ Bác trên làn sóng điện. Đặc biệt, chị là nghệ sĩ duy nhất được ngâm những bài thơ chúc Tết của Người mỗi dịp Tết đến xuân về.
T.V.L (st)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.