Multimedia Đọc Báo in

Bạn có biết?

10:12, 26/09/2010

Trường tư thục đầu tiên ở Thăng Long
Ngày đầu đời Lý (thế kỷ thứ XI), ở Thăng Long đã có một trường tư thục. Đó là trường Bái Ân của Lý Công Ẩn. Lý là người họ nhà vua, kiến thức uyên bác nhưng không nhận quan tước mà ra ở tại phường Bái ân bên bờ tây Hồ Tây mở trường dạy học, chủ yếu thu nhận con em nhân dân khắp kinh thành. Trong số học trò ở đây có chàng trai Ngô Tuấn, người phường Yên Xá (sau gọi là Cơ Xá) nhà trên bãi sông Hồng. Hằng ngày chàng đi men theo bờ sông Tô Lịch, lên Bái Ân theo học. Được đào tạo cả văn lẫn võ, Ngô Tuấn sau trở thành danh tướng, được vua ban quốc tính (mang họ vua, tức họ Lý) và đổi tên thành Thường Kiệt. Em của Lý Thường Kiệt là Ngô Chương sau cũng thành danh tướng được vua ban họ là Lý Thường Hiến, cũng là học trò trường Bái Ân.

Ngôi trường tư thục nổi tiếng ở Thăng Long thế kỷ 17
Phía tây nam thành Thăng Long có làng Hào Nam, nay vẫn còn vết tích. Con đường đi qua làng được đặt tên là phố Hào Nam. Tại đây từng có một trường học của một danh sĩ là Vũ Thạnh (1964-?), nguyên quán ở làng Đan Loan, nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Vì nhà nghèo, sức yếu không chịu nổi phu dịch, ông phải bỏ nhà lên Thăng Long ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, theo học tiến sĩ Vũ Công Đạo. Hơn 10 tuổi ông đã đỗ Hương Nguyên, 22 tuổi đỗ Đình Nguyên Thám hoa khoa Ất Sửu (1685). Làm quan đến chức Bồi tụng (Phó Tể tướng), sau vì có việc trái ý Chúa nên bị bãi chức, Vũ Thạnh trở về mở trường dạy học ở làng Hào Nam (khi đó là một trại của phường Thịnh Hào). Ông được coi là bậc sư biểu, văn chương, đức hạnh, học nghiệp được mọi người tôn trọng. Mỗi khi giảng tập, nhà học không đủ chỗ, học trò thường đi thuyền nan cặp vào bờ hồ cạnh nhà nghe lời giảng. Để tử đông tới hàng nghìn. Khi dạy học, ông chuộng thực nghiệp, bỏ lối hư văn, cải cách văn phong, sĩ phu nhiều người hướng theo. Bùi Huy Ích đã thống kê trong số học trò của ông có “70 người dự triều ban, 500 người làm quan, mấy ngàn người được truyền thụ Cửu kinh đến chỗ tinh vi, hơn 20 người mở trường ở các nơi, hơn 20 người làm tướng…”.

Hồng An (st)

 


Ý kiến bạn đọc