Cà đắng: Món ăn đặc sản Tây Nguyên
Nói đến Tây Nguyên người ta thường chỉ nhắc đến cà phê. Tuy nhiên, vùng đất nắng gió này còn có nhiều đặc sản làm mê đắm bao người trong đó có cà đắng - một sản vật dân dã của người Êđê. Cà đắng mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy; hiện nay được đồng bào trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm. Quả của nó giống cà pháo, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt là có vị đắng rất đặc trưng. Loại cà này có thể ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ăn trong bữa cơm của người dân tộc, như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt, đậu khuôn hoặc um với lươn, ếch... Nếm thử một miếng, bạn sẽ bị hấp dẫn ngay và cảm nhận được vị đắng đằm thắm kết hợp với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi của ớt, tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.
Đơn giản nhất trong cách ăn cà đắng là giã nát cho thêm gia vị là muối, ớt, bột ngọt và các loại rau. Món này có vị cay đắng đậm đà, ăn được nhiều cơm. Đồng bào ở các buôn, làng xa không có điều kiện đi chợ thường xuyên để mua thức ăn, nên món này rất thông dụng. Món ăn phổ biến nhất chế biến từ cà đắng là nấu canh. Cà đắng khứa đôi hoặc tư, ngâm nưới muối pha loãng, canh sôi mới cho cà vào. Hai loại gia vị không thể thiếu để tạo nên mùi vị độc đáo của các món từ loại quả này là ớt và lá lốt. Người ta cũng có thể cho thêm các loại lá rừng vào trong canh, tạo ra hương vị lạ mà vẫn thơm ngon. Canh cà đắng có mùi thơm, vị cay và đắng hài hòa, đậm nét ẩm thực của đồng bào nơi đây.
Hiện nay, cà đắng đã phổ biến trong thực đơn các nhà hàng ở Buôn Ma Thuột và hấp dẫn nhiều thực khách. Nếu có dịp đến với vùng đất này bạn hãy thử một lần thưởng thức món cà đắng, chắc chắn sự hấp dẫn của nó sẽ làm bạn nhớ mãi. Là một món ngon, cà đắng cũng rất tốt cho sức khỏe. Y Im Aliô, một già làng đã gắn bó cả đời với núi rừng Tây Nguyên nói: “Đồng bào Êđê mình ăn cà đắng nên cái chân mới cứng, đầu gối chắc, có thể lội suối, đi rừng cả ngày mà không mỏi”.
Ý kiến bạn đọc