Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe những “góc khuất” cuộc sống

16:01, 16/01/2011

Nghề viết báo gắn liền với những chuyến đi, bất kể thời gian, địa điểm. Bao buồn vui, bao kỷ niệm từ những chuyến đi đã đong đầy thêm những trải nghiệm của người cầm bút.

Những năm đầu sau giải phóng, địa bàn tỉnh Dak Lak còn trải rộng đến hết cả địa phận tỉnh Dak Nông bây giờ, cuộc sống nói chung còn nhiều khó khăn, đường sá cách trở, nhiều xã chưa có đường ô tô tới nơi, phương tiện thông tin liên lạc hiếm hoi (cả cơ quan Báo chỉ có 1 chiếc điện thoại cố định quay số đặt ở phòng văn thư, có việc thật cần mới đăng ký gọi), mỗi chuyến đi cơ sở là mỗi chuyến vất vả. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, xe đò, sau này ai có chiếc xe máy là… sáng lắm rồi!  Với đường sá như vậy, phương tiện như vậy, việc đi cả buổi, cả ngày mới tới cơ sở là thường; lỡ bữa lỡ đường, ở lại cơ sở cả tuần  cũng là thường. Vậy mà phóng viên vẫn say nghề, vẫn không quản ngại lặn lội đến những vùng xa xôi, khó khăn, kịp thời chuyển tải những thông tin nóng hổi hơi thở cuộc sống lên trang báo. Mà hình như những chuyến đi “khổ ải” lại hay mang đến những điều thú vị, những chi tiết “đắt” trong bộn bề  thông tin. Phóng viên Lê Quang Ánh, cây bút lâu năm của tòa soạn đã nhiều phen rong ruổi đến những nẻo xa như vậy. Một trong những kỷ niệm anh nhớ mãi là chuyến về công tác tại một xã thuộc diện xa xôi, khó khăn nhất của huyện Krông Bông. Anh và người bạn đồng nghiệp cùng “con ngựa sắt” đã mất cả ngày trời chinh phục những cung đường mòn, khi chìm lút trong lau sậy, lúc cheo leo trên sườn non để đến với  điểm trường học xa xôi khuất nẻo dưới những cánh rừng Chư Yang Sin. Anh đã theo những đứa trẻ đầu trần chân đất ngồi học dưới mái lá tuềnh toàng, hun hút gió, theo giáo viên xuống khe cõng nước, hái rau rừng cho bữa cơm đạm bạc dưới những mái lá đơn sơ. Bên bập bùng bếp lửa giữa đại ngàn hoang sơ, dòng tâm sự của những giáo viên từ miền xuôi lên "gieo chữ" nơi núi rừng xa xôi cứ miên man không dứt: Từ những ngày đầu “cuốc bộ lên non", mở mắt ra thấy bốn bề mây trắng bao phủ, sương mù dày đặc mà nản lòng; đêm nằm trên sạp nứa nhoi nhói muỗi chích, nghe mưa rừng rơi, tiếng côn trùng rả rích, nhiều cô khóc ướt gối vì thương hoàn cảnh những hộ dân nghèo, những đứa trẻ nghèo thất học... Khó khăn gian khổ chồng chất, nhưng tình yêu nghề, mến trẻ đã giúp các cô giáo trẻ vượt qua, ngày ngày vẫn lên lớp, vẫn lặn lội đến từng mái tranh nghèo vận động trẻ đến trường, đêm về lại cặm cụi với giáo án, chấm bài, đưa con chữ đến thắp sáng vùng rừng xa xôi. Cảm xúc đong đầy từ chuyến “xuyên rừng” được nhà báo chuyển tải sinh động vào tác phẩm Những người “cõng” chữ lên ngàn đã tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, góp phần đưa tác phẩm đoạt giải C Giải báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam…Nhà báo Hoa Hồng bị chứng “sợ” ô tô, chỉ với chiếc Chaly bé tí vừa đi vừa đẩy mà cũng có mặt hầu khắp những xã xa nhất của tỉnh, len lỏi vào những “góc khuất” cuộc sống. Đọng lại dấu ấn trong chuỗi ngày đi và viết là những “thân phận da cam” ở huyện Ea Kar. Từ một nguồn tin ngắn ngủi về số lượng trẻ bị di chứng chất độc da cam ở đây nhiều nhất tỉnh, được sự hỗ trợ, động viên của Ban Biên tập, nhà báo đã tìm đến từng gia đình có trẻ bị di chứng với mong muốn hiểu rõ hơn vấn đề. Hành trình “đi tìm” này cùng không kém gian nan vì các gia đình ở rải rác trên địa bàn rộng, nhiều khi chị cùng cán bộ cơ sở phải mất cả buổi vượt qua những đoạn đường mòn lầy lội dưới những thung lũng, hoặc lội bộ qua những trảng cát bỏng rát trên đồi cao để tiếp cận những sự thật càng bỏng rát hơn. Đó là những hình hài không thành người, những “đứa trẻ mãi không lớn” vì di chứng chất độc da cam từ bố, mẹ, hoặc ông, bà. Do hoàn cảnh, nhiều gia đình không giữ được đầy đủ giấy tờ chứng minh bố mẹ, ông bà đã có thời kỳ chiến đấu ở chiến trường như quy định nên nhiều em không được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam. Nhiều em bị bệnh nặng, hay lên cơn đập phá, gia đình không còn cách nào khác phải xích lại hoặc nhốt vào cũi; có em khuyết tật thể vận động nhưng gia đình không có điều kiện chữa trị nên bệnh càng nặng hơn. Bên cạnh nỗi đau, cũng lấp lánh niềm vui, niềm hy vọng  khi nhiều em vẫn có nghị lực vượt qua bệnh tật, nghèo khó, tiêu biểu như em Lê Viết Anh ở xã Cư Ni bị liệt 2 tay vẫn kiên trì luyện tập viết bằng chân, mà còn viết rất đẹp và học rất giỏi …Những thân phận, những nỗi niềm đắng chát ấy đã được nhà báo gửi gắm qua loạt bài Nỗi đau không của riêng ai cùng bao suy tư trăn trở, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội. Từ nguồn thông tin trên Báo Dak Lak, nhiều cơ quan báo chí đã cùng vào cuộc, mở chiến dịch vận động “Vì trẻ em khuyết tật”, trong đó có trẻ bị di chứng chất độc da cam. Nhiều tấm lòng hảo tâm đã tìm đến nhằm chia sẻ những nỗi bất hạnh mà các em không may phải gánh chịu, tiêu biểu như Báo Tuổi trẻ đã tặng em Lê Viết Anh một dàn máy vi tính. Đó thực là một “sự kiện” với vùng quê nghèo thời đó. Những bài viết trên Báo Dak Lak cũng là nguồn thông tin giá trị cho cơ quan chức năng nghiên cứu, tham khảo, tiến tới thành lập Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật tại Ea Kar…

Bây giờ phương tiện đi lại cũng như làm việc quá đầy đủ, hiện đại, chỉ cần một cú điện thoại, một cú nhấp chuột là đã có thể nắm bắt được thông tin cần thiết về một vấn đề nào đó, nhưng công việc những người viết báo vẫn luôn gắn với những chuyến đi. Câu chữ có thể còn vụng về, diễn đạt có thể còn vấp váp, nhưng những bài viết “người thật việc thật” luôn có sức lay động lòng người, tạo hiệu ứng lan tỏa bởi cảm xúc tươi nguyên, chân thành xuất phát tự đáy lòng. Giữa muôn mặt ồn ã của đời sống xã hội, vẫn có những “góc khuất” cần chia sẻ, gửi gắm những thông điệp đậm tính nhân văn…

 

Lê Quân

 


Ý kiến bạn đọc