Multimedia Đọc Báo in

Đừng quên văn hóa chợ

17:27, 12/02/2011

Ai có dịp về một vùng quê nào đó, dạo chân qua một ngôi chợ nhỏ hẳn sẽ nhận ra cái mộc mạc, thân tình giữa kẻ bán - người mua. Những ngôi chợ ấy như không gian thu hẹp của một làng xã Việt Nam xưa. Ở đó mỗi ngày một lần bà con chòm xóm gặp nhau thường vào buổi sáng, chuyện riêng tư xen lẫn lời mời mọc cùng nụ cười nhiều hơn là vẻ mặt lạnh lùng, mặc cả qua lại từng đồng thường thấy ở phố thị. Nếu có chú bé con nào đó theo lời mẹ dặn chạy ra chợ mua chai mắm, hay đùm ớt… dù vội đi mà quên mang theo tiền thì người bán cũng sẵn sàng cho mua chịu. Chẳng sao, hôm nay không trả tiền thì ngày mai, ngày mốt trả. Đó không chỉ là lòng tin, mà còn là sự chia sớt với nhau để rồi mang lại cái tiện lợi cho cả đôi bên. Ở chợ quê này, cần mua sắm chút đỉnh, người ta đến chợ đã đành, không mua sắm cũng đến chợ xem hôm nay có chuyện gì mới lạ không? Như vậy mới thấy chợ quê không chỉ là nơi giao lưu hàng hóa mà còn là nơi người ta có thể nắm bắt đủ loại thông tin trong đời sống hàng ngày. Và có thể nói đó là một nét văn hóa chợ được biểu hiện rất rõ nét từ những điều rất đỗi bình thường của mỗi làng quê. 

Giả sử một ngày nào đó, nông thôn sẽ có đời sống sung túc hơn, rồi chợ quê sẽ phát triển, mở rộng theo một quy mô nào đó hiện đại hơn… thì đó cũng chỉ là sự “lột xác” để chợ quê tiếp tục tồn tại và phát triển với hoàn cảnh mới mà thôi. Còn cái hồn cốt của nó, tựa như hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” ở mỗi làng quê Việt Nam, dù dưới góc nhìn nào vẫn không hề thay đổi. Văn hóa chợ quê vẫn chi phối và dẫn dắt tình cảm, cung cách ứng xử của mọi người trong hoạt động mua bán mỗi ngày. Bởi nói cho cùng, chợ quê không chỉ là nơi bày bán mọi sản vật của mỗi vùng đất, mà còn là “tâm điểm” để bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra giềng mối đạo đức, tinh thần và thang bậc tình cảm của con người ẩn chứa đằng sau đó. Chợ vùng cao thường tụ họp từng phiên - và mỗi lần đến chợ là mỗi lần được coi như đi hội. Ở đó người ta không những thỏa mãn được nhu cầu tự thân về vật chất trong hoạt động bán mua, sắm sửa…mà quan trọng hơn là được dịp kết nối và thắt chặt tình nghĩa của mỗi thành viên trong cộng đồng. Chợ vùng xuôi cũng hình thành trên nền tảng ấy, có điều khác biệt một chút là yếu tố thương mại được biểu hiện rõ nét hơn thông qua việc tổ chức, hướng dẫn bán mua trong không gian tập trung và nhộn nhịp hơn. Cũng có lẽ vì thế mà trong quá trình phát triển của mỗi đô thị đều bắt đầu từ chợ, thậm chí văn hóa chợ quê ấy đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng một đô thị. Chẳng hạn Hà Nội ba mươi sáu phố phường cũng vậy. Trước khi trở thành đô thị lớn nhất và sầm uất nhất của đồng bằng sông Hồng thì đó là một chợ quê với đầy đủ sản vật trong vùng (từ hàng than, hàng quạt cho đến hàng bạc, hàng đồng…) mà làm nên phố thị như bây giờ. Thế mới biết chợ quê ở khắp mọi vùng luôn giữ trong nó vốn văn hóa đáng để gìn giữ và trân trọng biết nhường nào.

 

Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc