Ai bảo viết văn là nghèo?
Nhà văn Trần Quốc Tiến, sinh năm 1942 tại xã Nam Vân, TP.Nam Định. Cứ theo anh kể thì anh trở thành nhà văn nổi tiếng từ nhiều cái “không”: không bằng cấp (anh chỉ học hết lớp 3), tiền không, chức vụ cũng không. Trần Quốc Tiến là nhà văn nông dân đặc sệt, anh cày ruộng rất giỏi và “cày” bằng bút cũng đáng nể. Những tác phẩm tiêu biểu của anh như: “Vật lộn trước rạng đông” (tiểu thuyết, 1990), “Bị vợ bỏ” (tiểu thuyết, 1990), “Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa” (tập truyện, 1998), “Ổ rơm” (tiểu thuyết, 2002), “Cỏ” (tiểu thuyết, 2006)… Anh từng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, tạp chí Tác phẩm mới (nay là tạp chí Nhà văn), hai lần giải thưởng Nguyễn Khuyến và giải thưởng Lương Thế Vinh.
Năm 1990, Trần Quốc Tiến in tiểu thuyết đầu tay “Cuộc vật lộn trước rạng đông”, sách dày 400 trang do NXB Thanh Niên ấn hành. Ba năm sau, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà nghèo, hồi nhỏ khi được người cô cho cái đồng hồ đeo tay, Trần Quốc Tiến đã phải bán đi để mua sách tự học văn hóa, học viết văn. Tác phẩm đầu tay ấy khi còn là bản thảo, vì nhà nghèo không có tủ đựng, anh phải để đứa con tinh thần của mình trong cái chum rỗng (chum đựng gạo, ngô nhưng nhà nghèo không có gạo, ngô đựng nên bỏ không). Còn bàn viết của anh là cái mâm gỗ. Bây giờ, Trần Quốc Tiến đã khấm khá lên bằng nghề văn. Do tự học, anh viết ngày càng lên tay. Cứ ba năm anh lại cho ra mắt một tập sách. Nhờ sự quan tâm của Hội Nhà văn và bằng bút lực của mình, bây giờ gia sản của anh cũng khấm khá trông thấy.
Ngày 13-10-2008, tại Hội nghị “Nâng cao tính chuyên nghiệp văn học” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình, Trần Quốc Tiến đã đọc bản tham luận “Tính chuyên nghiệp là nói ít, làm nhiều, làm được điều mình nói”. Mở đầu bản tham luận, Trần Quốc Tiến đưa ra một dẫn chứng khiến cả hội trường cười rộ:
“Vừa qua tôi được Hội Nhà văn đầu tư sáng tác 7 triệu đồng, tôi không mua máy ví tính, máy vi tính tôi có rồi - cũng là quà của bạn bè cho cả, mà mua luôn một cái nhẫn vàng 4 chỉ to cộ đeo vào tay, đi đâu cũng đeo. Thấy chuyện lạ, vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa bao giờ có tí chút vàng để đeo, giờ thấy tôi đeo cái nhẫn vàng to cộ nên ai cũng nhìn ngắm. Rồi bà con, bạn bè, anh em phỏng vấn:
-Nhà văn nông dân ơi, tiền ở đâu mà ông mua cái nhẫn vàng to thế?
-Hội Nhà văn Việt Nam cho tớ đấy! (Tôi khoái chí trả lời)
-Sao bảo Hội Nhà văn Việt Nam rỗng túi…?
-Không rỗng nữa rồi.
-Sao có tin đồn là chỉ có cây đa, cây đề và ban chấp hành là được đầu tư?
-Thì các vị nhìn cho rõ đi, tôi có là chấp hành không? Có là cây đa, cây đề không?
-Thế vì sao ông được đầu tư?
-Vì tôi chăm viết, nói ít làm nhiều, tôi nộp bản thảo dày cộp cho Hội Nhà văn…
-Thế à, nhà văn giống nông dân nói ít làm nhiều…”
Khi Trần Quốc Tiến nói đến đoạn này, các nhà văn ngồi phía dưới không ai bảo ai đều nhìn lên diễn đàn thấy anh đeo cái nhẫn vàng to cộ thật. Thế mới biết nhà văn có tâm, có tầm như Trần Quốc Tiến là có vàng, vàng đeo vào ngón tay cầm bút, xứng đáng lắm chứ!
Ý kiến bạn đọc