Vị tha
Hồi T mới về phòng hành chính (trong đó có đội xe), tôi đề xuất cho T lái xe phục vụ ông C - thủ trưởng cơ quan. Ông C không chịu, lý do là cậu ấy chậm lại non tay nghề. Thực ra, đó chỉ là cái cớ. Với không ít sếp, người phục vụ thân cận phải biết giữ những điều “sống để bụng chết mang theo”, lại phải chiều theo những sở thích “tế nhị”, biết “đi tắt đón đầu” nhu cầu của sếp..., nói chung phải luôn làm cho người được phục vụ hài lòng. Thủ trưởng cơ quan tôi thuộc nhóm “không ít” đó. Tính T quảng giao, bộc trực, đặc biệt ghét thói nịnh hót nên dù nhiệt tình với công việc và từng đoạt giải nhất trong hội thi “giữ tốt dùng bền an toàn tiết kiệm” của đội xe cơ quan, cậu vẫn không được người lãnh đạo cảm tình. Lẽ thường, người phục vụ gần gũi thủ trưởng hay được quan tâm ưu ái; lớn như chuyện nhà cửa, lương thưởng; nhỏ như kinh phí xăng dầu, sửa chữa xe được duyệt chi “thoáng” hơn. Không trực tiếp phục vụ người đứng đầu cơ quan cũng đồng nghĩa T bị thiệt; cậu ta biết điều đó, biết luôn lý do mình bị từ chối.
T được phân công lái chiếc u-oát dùng chung của cơ quan. Xe dùng chung xập xệ, nóng như lò sấy nên ít người đi. Giống như cầu thủ không được ra sân, T buồn khi thi thoảng mới được cầm vô-lăng. Ngoài những lúc lái xe đưa anh văn thư đi chuyển công văn tài liệu, đưa chị quản lý bếp ăn đi mua lương thực thực phẩm, T giúp bà tạp vụ cắt tỉa đám cây cảnh trong khuôn viên cơ quan hoặc giúp cô cấp dưỡng nấu cơm... Giờ đây, ông C nghỉ hưu đã lâu; T cũng đang nghỉ chờ “về làm dân” như cậu nói.
Mới rồi, T sang nhà tôi chơi, cho biết sáng sớm mai sẽ lái xe đưa vợ chồng ông C đi Quảng Ngãi dự đám cưới nhà sui gia. Theo T, với đoạn đường hơn 170 cây số, nếu đi xe đò thì mệt và bị động, đi taxi thì “chết” tiền, khỏe và rẻ nhất là thuê xe tự lái đi về trong ngày. Ông C đã làm theo cách tính đó, nghĩa là thuê xe và nhờ T đưa đi; cậu phải đổi ca trực (làm bảo vệ ở một cơ quan) để giúp thủ trưởng cũ. T nói tiếp, giọng không vui: “Cũng vì chuyện đó mà em đang bực mình đây”. “Sao bực?” Thì ra vợ T (làm cùng cơ quan với chồng) cứ càm ràm cho T là khùng, hâm khi nhận lời giúp ông C. Cô ấy bảo, ông ta sống không tình nghĩa, lúc còn quyền hành thì hách dịch, coi cấp dưới không ra gì; giờ về hưu ru rú ở nhà, đồng nghiệp chẳng ai thèm tới. Vậy mà người ông ghét là T lại dễ dàng chiều theo ý ông, không khéo người ta cho mình dại. Thế là vợ chồng cãi nhau. Tôi hỏi: “Cậu nói với vợ sao?”. T cười: “Em bảo, người ta ghét mình; mình ghét lại thì khác nào tự biến thành kẻ thù vặt, đúng không?”.
Tôi gật đầu, tin là vợ T rồi cũng hiểu lòng vị tha đáng quý của chồng mà ủng hộ thay vì phản đối việc anh làm.
Ý kiến bạn đọc