Multimedia Đọc Báo in

Món gỏi tỏi ở huyện đảo Lý Sơn

18:31, 06/11/2011

Huyện đảo Lý Sơn (cù lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi vang danh khắp nước về cây tỏi nên cũng sinh ra món ăn độc đáo đủ để làm nao lòng du khách bốn phương khi có cơ hội thưởng thức: món gỏi tỏi Lý Sơn.

Khi màu xanh mượt mà của cây tỏi bắt đầu chuyển sang màu màu vàng mơ là sắp đến mùa thu hoạch tỏi. Lẫn trong màu vàng mơ ấy, ta vẫn dễ dàng phát hiện ra cái màu xanh đậm tràn đầy sức sống của những cây tỏi đực (tỏi không cho củ). Gỏi tỏi Lý Sơn được làm từ thân những cây tỏi đực ấy, thường là trộn chua với đậu phộng rang, đồng thời ăn kèm với nước sốt và bánh tráng.

 
Sau khi chọn nhổ về những cây tỏi đực, người ta cắt bỏ hết rễ và một phần của lá, cắt thân cây thành hai hoặc ba phần rồi chẻ làm đôi, muốn nhỏ thì chẻ làm bốn cũng được. Đem rửa thật sạch tỏi, bỏ vào nồi hấp cho vừa chín, nhớ đừng để chín quá mà mất đi hương vị tỏi. Sau đó, người ta bắt đầu phi thơm hành với một ít dầu ăn, đậu phộng rang đã được giã nhỏ, thêm ít đường, bột ngọt cùng với nước mắm nhĩ, tất cả cho vào trộn đều với tỏi đã hấp là xong.

Chiếc đĩa đã bày ra bàn, cho gỏi tỏi vào, rắc kèm với ít rau thơm, chưa ăn đã thấy thòm thèm khó tả. Ở Lý Sơn, món gỏi tỏi đã làm hoàn thành chưa hẳn là đã đâu vào đấy. Muốn ngon, gỏi tỏi phải đi kèm với chén nước sốt tuyệt hảo, thường người ta dùng nước cốt dừa nấu sôi với chuối và cà chua, hòa chút bột năng cho nước sánh nhuyễn. Gỏi tỏi được chấm với nước sốt, xúc kèm với miếng bánh tráng, vừa đưa lên miệng đã nghe nồng nàn hương tỏi. Chao ôi, giữa cái giòn sần sật của tỏi, cái rôm rả của miếng bánh tráng quê, cái bùi bùi thơm thơm của đậu phụng…, dường như có cả cái mặn mòi của hương vị biển, bất chợt lòng ta trào dâng một niềm thương cảm với tình đất, tình người chân chất nơi đây, thầm hẹn một ngày về lại thăm đảo Lý Sơn trong nồng nàn hương tỏi.

Phương Thảo

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.