Lên bà không khó
Khoảng năm 1907 – 1908, Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà) vào học ở trường Quy Thức, phố Gia Ngư, Hà Nội. Cứ chiều chiều tan học, từ phố Gia Ngư về phố Hàng Nón là nơi cậu ở với anh là ông phó bảng Nguyễn Tái Tích, bao giờ Nguyễn Khắc Hiếu cũng phải đi vòng qua phố Hàng Bồ là nơi một cô gái tuyệt đẹp ngồi bán hàng. Đó là cô gái con ông đồ Thận. Nhờ anh rể là Nguyễn Thiện Kế dò hỏi, cậu ấm Hiếu biết nhà gái chỉ đòi chàng rể cái “ấn tri huyện”. Từ đó, cậu quyết tâm theo con đường cử nghiệp. Nhưng khoa đầu tiên rồi khoa thứ hai (1912) cũng hỏng nốt. Khoa thi lần này, ở trường xảy ra một việc rất đáng thương: một người học trò cũng đã hỏng thi mấy khóa trước, đến khóa này bị ốm nặng nhưng cứ cố vác lều chõng vào thi. Ngày hôm đó mưa bão suốt, anh ta lên cơn sốt dữ dội và lăn đùng ra chết ngay trong chiếc lều lụt ngập của mình.
Nhìn bảng không có tên, cậu ấm Hiếu cùng một số anh em trượt thi vào quán trước cổng trường uống rượu giải sầu. Mỗi người không khỏi nghĩ đến cái chết thương tâm của anh học trò và liên hệ đến số phận bạc bẽo của mình.
Một người trong đám biết tiếng Nguyễn Khắc Hiếu có tài làm thơ, đứng lên nói:
- Bác ấm rất tài thơ, thử tức cảnh cho anh em nghe một bài cho đỡ buồn. Nguyễn Khắc Hiếu không đợi nói lần hai, liền ngâm:
Văn hay chẳng đỗ thì đừng,
Gió mưa khỏi chết nửa mừng, nửa thương!
Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường,
Bảng vàng mũ bạc anh nhường mặc ai
Muốn lên bà khó lắm em ơi!
Mọi người nghe xong đều phá ra cười. Rõ ràng bài thơ đã trút được một phần gánh nặng của những người hỏng thi. Nhưng ít lâu sau đó, khi cậu ấm Hiếu đi ngang qua phố Hàng Bồ thì vừa lúc gặp “ý trung nhân” vừa khóc… vừa bước lên xe kéo về nhà chồng – người vừa mới đoạt được “ấn tri huyện” khoa thi ấy.
Đỗ Phương Nhâm (st)
Ý kiến bạn đọc