Multimedia Đọc Báo in

Bổn phận và sự tôn vinh

07:29, 18/08/2012

Báo chí gần đây có đưa nhiều tin biểu dương những cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã từ chối nhận tiền bồi dưỡng, hối lộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước hết cần phải khẳng định đó là những hành động đẹp, đáng ghi nhận và tôn trọng. Tuy nhiên, tiếp theo đó, các cơ quan chức năng đề xuất tặng giấy khen, bằng khen cho những cá nhân ấy lại là vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm về việc thực hiện bổn phận và sự tôn vinh thành tích cá nhân.

Mỗi cá nhân khi giữ một vị thế xã hội nhất định sẽ phải thực hiện một vai trò xã hội tương ứng. Vai trò xã hội được hiểu là mô hình hành vi được xác lập một cách khách quan căn cứ vào những đòi hỏi của xã hội đối với vị thế xã hội, để thực hiện quyền và nghĩa vụ tương ứng với  vị thế đó. Người ta không thể không tuân theo khuôn mẫu mô hình hành vi ấy, nếu không muốn bị xã hội chê trách, phê phán.  Ví dụ, các bậc cha mẹ không thể bỏ bê việc chăm sóc con cái, một vị bác sĩ thì phải biết chăm sóc bệnh nhân, một chiến sĩ cảnh sát giao thông phải có bổn phận duy trì trật tự giao thông...

Sự mong đợi, đòi hỏi của xã hội đối với việc thực hiện vai trò xã hội của cá  nhân được thể hiện ở sự kỳ  vọng xã hội (kỳ vọng bắt buộc và kỳ vọng không bắt buộc) vào vai trò, vị trí mà cá nhân ấy đang nắm giữ.

Kỳ vọng bắt buộc là loại kỳ vọng mà xã hội buộc cá nhân phải tuân thủ. Tương ứng với vị thế xã hội của mình, cá nhân sẽ được xã hội đòi hỏi phải thực hiện mô hình hành vi tương ứng. Sẽ là vi phạm kỳ vọng bắt buộc  nếu một sinh viên không đi học, vi phạm quy chế thi; người giảng viên không tôn trọng sinh viên, có hành vi xúc phạm sinh viên...; và như vậy, chính những người đó đã không thực hiện tốt kỳ vọng bắt buộc đối với vai trò của mình, do đó họ có thể sẽ phải bị xử lý bằng những hình thức tương ứng.

Kỳ vọng không bắt buộc là loại kỳ vọng mà khi cá nhân không tuân thủ thì cũng không bị trừng phạt, còn nếu thực hiện tốt thì sẽ được khen thưởng. Như vậy, nếu cá nhân làm đúng theo kỳ vọng bắt buộc là mới chỉ làm tròn phận sự của mình. Người ta không việc gì phải khen thưởng cho một sinh viên đi học đầy đủ, chép bài cẩn thận, thực hiện đúng quy chế học vụ. Nhưng một sinh viên có thể sẽ nhận được sự khen ngợi từ giáo viên, bạn bè nếu hăng hái phát biểu xây dựng bài, có kết quả học tập tốt,...

Vậy, hành động từ chối nhận tiền “lót tay”... của cán bộ công chức cần được xem như là những hành động đương nhiên mà người đó phải thực hiện vì nó thuộc về kỳ vọng bắt buộc mà nếu anh không thực hiện, anh sẽ bị trừng phạt.

Như vậy, với việc khen thưởng cho những người thực hiện bổn phận của mình phải chăng kỳ vọng không bắt buộc đã trở nên “xa xỉ” khiến sự tuân thủ lại trở thành thành tích và cần phải tôn vinh?

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.