Đùa không đúng lúc
Trong lần tham dự lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập tại một đơn vị nọ, tôi được chứng kiến một tình huống “cười ra nước mắt”.
Buổi lễ hôm ấy có mặt nhiều thành phần khách mời, từ lãnh đạo tỉnh, sở chủ quản đến các sở ngành hữu quan. Trước khi bước vào nội dung chính của buổi lễ, chương trình văn nghệ chào mừng do nhân viên của đơn vị “tự biên, tự diễn” đã thu hút sự chú ý của cả khán phòng. Sau những bài hát múa về ngành đầy xúc động, một ca khúc về Tây Nguyên – “Còn thương nhau về Buôn Ma Thuột” được xướng lên như để thay đổi không khí. Bài hát được một nhân viên nữ thể hiện, tuy không thật ấn tượng song mọi người đều châm chước vì “cây nhà lá vườn” được thế là hay rồi. Có lẽ vì thấy khán giả quá chăm chú nghe, cô nhân viên nọ hứng khởi cải biên lời bài hát ở đoạn kết thành “…Có cái nắng, có cái gió, có cái đó, em cho ai, em cho ai thì cho!” (lời của bài hát là “…Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ, không mang tên, không mang tên người ơi!”). Thấy tất cả mọi người ồ lên cười, cô nhân viên càng thêm hào hứng nên khi trở về cuối khán phòng cô lại tiếp tục hát to lời cải biên của mình để được nhận những lời “tán dương” của đồng nghiệp mà không hề biết rằng phía trên hội trường đang có nhiều ánh mắt dõi theo cùng những cái lắc đầu khó hiểu.
Có thể nói, pha trò để làm không khí thêm sôi nổi, hào hứng là điều hết sức bình thường, nhưng giữa một buổi lễ long trọng với đông đảo quan khách thì cách pha trò kiểu ấy thật phản cảm!!!
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc