Multimedia Đọc Báo in

Biết cách già

08:20, 08/09/2012

La Rochefoucauld (1613 – 1680) đã để lại câu danh ngôn: “Peut de gens savent être vieux”- Ít người biết cách già. Nói một cách khác hơn – Ít ai sửa soạn tâm tư, chuẩn bị vốn liếng để tiếp  nhận những cái vô thường khi tuổi già đến! Vậy thế nào là biết cách già? Thế nào là sửa soạn tâm tư? Trong câu nói của La Rochefoucauld, ông đã sử dụng cụm ngữ “peut de gens’ – ít người. Điều ấy tự nói lên “số lượng”. Có nghĩa là không phải không có. Vậy thì trong số “ít người” đó, họ đã biết cách già như thế nào? Và con người sửa soạn tâm tư bằng cách gì trong khi mọi vật, kể cả chúng ta đang trôi lăn trong nồi năng lượng khổng lồ? Như mọi người đều chứng nghiệm rằng, không ai có thể vượt ra ngoài quy thức SANH – LÃO – BỆNH - TỬ.

Khi con người vừa bước qua ngưỡng cửa sơ thọ, theo quan niệm của Khổng Tử, là đã “cập bến” khi  nghe lời người nói thì mình hiểu được. Ngài tự nói về bản thân như sau: “ Ngô thập hữu ngũ chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du cú.” (Ta mười lăm tuổi để hết tâm trí vào việc học, ba mươi tuổi hiểu đã vững vàng, bốn mươi tuổi không nghi hoặc điều gì, năm mươi  tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi nghe lời người là hiểu được, bảy mươi tuổi muốn điều gì là tùy tâm mình mà không vượt ra ngoài khuôn phép, quy cú). Chữ “ Ngô/ta” là Ngài nói cho chính bản thân. Cho nên không phải bất cứ ai bước vào “khung tuổi” ấy, đều là như thế cả, nếu không chăm chuyên học tập. “Học” không đóng khung trong việc cắp sách đến trường theo lối từ chương, chữ nghĩa. Học gương sáng người xưa. Học đức hạnh người tốt, học từ kinh nghiệm… Thế nhưng bây giờ, câu nói của Ngài đã thành “quy thức cho con người”. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, lời phát biểu quan niệm chứng nghiệm mang tính định nghĩa rất thâm thúy: “Tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già nhưng tâm già, thế là không già mà thành già.” Và ở đây, điều mà con người thường nói đến, là chữ TÂM – Nhưng cái TÂM trong ta, thường là cái tâm hạn hẹp, cục bộ, bản ngã. Vì thế, ta không lạ gì khi nghe câu “tu tâm dưỡng tính” là vậy. Luôn “lau chùi” thân giả tạm để được trong sáng. Biết khoan dung, độ lượng, vị tha. Và thể hiện những tính tốt đẹp ấy với con người, thiên nhiên, cùng muôn loài… Ngay cả trong ý tưởng cũng phải trong sáng. Vì  ý tưởng là hạt giống trong ý thức TÂM. NÓ có thể “nẩy mầm” tốt hoặc xấu. Đồng thời là “chiếc chìa khóa” mở những cánh cửa toàn mỹ. Nhưng một khi con người không vững TÂM được, “NÓ” sẽ mở vào cánh cửa ngược lại. Bởi vì ý tưởng kích hoạt mối tương quan để thỏa mãn nhu cầu.

Chúng ta nói chung, lớp tuổi già nói riêng, đều luôn luôn được chia sẻ một phần năng lượng của mình để kết nối mối tương quan lẫn nhau. Nhất là đối với tuổi già, thì sự quan hệ giữa tâm hồn đồng cảm là mối giao hội phát sinh ra những hiểu biết từ trải nghiệm, và ý thức về…

Tuy nhiên trong hoàn cảnh sống xa với cộng đồng, người già không có điều kiện tham gia vào những hội đoàn, các câu lạc bộ… thì nên làm bạn với sách, báo, với chung quanh. Một mình, không phải là cô đơn. Nếu cảm nhận cô đơn, là thiếu vắng người khác. Điều ấy có nghĩa là để cho ý thức “nổi dậy” từ tiêu cực. Cần nên nhận diện một mình là có mặt của bản thân mình với chung quanh. Biết ta đang hiện diện, một sự hiện diện tràn ngập, mà không yêu cầu sự có mặt của bất cứ người nào. Ta đang là với thế giới đang thay đổi. Hãy thản nhiên đối mặt với hiện tại để tự một mình tìm thấy phúc lạc vô điều kiện. Tôi không còn lo âu.

“Nếu ở trán ta bắt đầu có những nếp nhăn, thì đừng nên để tim ta có một nếp nhăn nào cả”. Vì tinh thần không thể già nua” (James Abram Garfield – 1831- 1881)

Đối với tuổi già, thời gian còn lại là vô cùng quý giá. Hãy sống cùng với “nhà canh tân vĩ đại” này, như Bacon (1561 – 1626), nhà triết học – nhà khoa học đã nói: “Le plus grand des novateurs, c’est le temps”. (Thời gian là một nhà canh tân vĩ đại nhất). Người già hãy “canh tân” cuộc sống còn lại của chính mình.

Võ Khoa Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.