Multimedia Đọc Báo in

“Vừa ăn cắp, vừa la làng”!

08:50, 25/12/2012

Buổi sáng đầu tuần, tôi đến liên hệ công việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng như bao người khác, tôi gửi xe tại nhà xe của bệnh viện rồi mới vào làm việc. Có lẽ, buổi làm việc hôm ấy sẽ được coi là hoàn toàn thuận lợi nếu tôi không gặp trục trặc nhỏ với nhân viên giữ xe.

Chuyện là sau khi hoàn thành công việc của mình, tôi trở lại nhà xe để lấy xe ra về. Dắt xe ra đến bàn kiểm phiếu, ngước nhìn bảng báo giá giữ xe ban ngày đối với xe máy là 1.000 đồng, nhưng tìm trong ví không có loại tiền trên tôi đành rút ra tờ tiền có mệnh giá 20.000 đồng đưa cho nhân viên giữ xe và không quên kèm theo câu nói: “Em không có tiền lẻ, chị chịu khó thối giùm!”. Nhận và kiểm lại tiền thối chỉ thấy 18.000 đồng tôi liền nói: “Chưa đủ chị ơi!?”. Cô nhân viên càu nhàu: “Lên giá từ lâu rồi, ban ngày 2.000, ban đêm 3.000 đồng, thiếu gì mà thiếu! Người đâu mà keo!” và ném cho tôi một cái nhìn sắc lẹm. Thấy thái độ thiếu hòa nhã của người nhân viên nọ, tôi không tránh khỏi cảm giác bực mình nhưng vẫn cố gắng ôn tồn đáp: “Tăng giá mà trên 2 bảng thông báo vẫn ghi mức giá cũ, tôi không biết thì bảo chị đưa tiền thiếu chứ sao!”. Ngay lúc đó một nam nhân viên nhà xe đứng bên cạnh liền cao giọng thách thức: “Thắc mắc gì? Điện thoại đường dây nóng kìa, gọi đi!?”. Định bụng thử một phen xem câu chuyện sẽ đi đến đâu, nhưng quay lại phía sau thấy có nhiều người đang chờ, tôi đành cho qua rồi dắt xe ra. Vừa ra khỏi cổng, người khách lấy xe ra sau tôi liền nói: “Chấp bọn đó làm gì, có 2.000 đồng thôi đưa cho xong chuyện để đi cho được việc của mình…”.

Trên đường về, tôi cứ tự hỏi, mỗi ngày lượng người ra vào gửi xe tại nhà xe bệnh viện lên tới con số hàng nghìn lượt, nếu mỗi xe đều bị thu gấp đôi giá ghi trên bảng thông báo thì số tiền không nhỏ ấy sẽ đi về đâu và tại sao những nhân viên giữ xe trong bệnh viện lại có thái độ “coi trời bằng vung” như thế? Liệu Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh có biết đến những sự việc như trên xảy ra tại đơn vị mình?!

Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.