Multimedia Đọc Báo in

Một chút với... giọt cà phê

17:09, 25/03/2013

Chẳng biết từ lúc nào, ly cà phê đã trở thành thức uống không thể thiếu, như một nhu cầu thưởng thức tao nhã của đủ mọi hạng người, từ tao nhân mặc khách cho đến kẻ thường dân. Cà phê “đắng” với người này, nhưng lại “ ngọt” với người kia. Dù đắng hay ngọt, thì vị cà phê, màu cà phê luôn là một thức uống mang tính triết lý khó gọi được thành tên, khó nói lên thành lời...

Bước vào quán cà phê, nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy, sẽ gặp nhiều khuôn mặt, nhiều nét mặt và gương mặt khác nhau. Có gương mặt trầm ngâm bên cửa sổ, nhả khói thuốc lá một cách lơ đãng, thả tâm tư trên bóng lá ngoài hiên; có khuôn mặt thoắt vui, thoắt buồn, đôi hàng lông mày lúc thì chau lại, lúc lại dãn ra, khó có thể đoán định được tâm trạng. Lại có nét mặt chàng trai rạng rỡ bên nét mặt cô gái có đôi môi cười cắn chỉ, chứng tỏ họ đang rất vui… Nhưng, dù vui hay buồn, trầm tư hay sầu muộn, ly cà phê trước mặt họ, không vì thế mà không cạn dần. Và do vậy, cà phê không chỉ đơn thuần là thức uống, mà nó còn là kẻ “đối ẩm” tri âm với người thưởng thức.

Tôi có anh bạn, trước tới nay chỉ chuyên “ ghiền” một loại: cà phê đen! Ly cà phê đen ấy phải đạt chuẩn là đặc sánh, được đặt trong lòng một ly nước nóng bốc hơi ngùn ngụt. Anh bảo: Đã uống cà phê thì phải thưởng thức cái nguyên chất, nguyên hương, nguyên vị của loại thức uống đặc biệt này. Chất - có nghĩa là không pha, không thêm bất cứ một hợp chất nào (trừ đường); hương - là mùi cà phê đậm đặc được nhân lên bởi độ nóng sôi sục của nước; còn vị - là độ đắng nồng ấm của bột cà phê tan vào nước... Với ly cà phê đen đặc biệt như vậy, anh có thể dùng nó “ lót dạ” thay bữa ăn sáng và yên tâm “ cày” đến hết buổi... Lại có những “ đệ tử” của cà phê quen thưởng thức ngay sau khi điểm tâm, nghĩa là uống ngay tại gia, ngay tại bàn ăn. Trong khi bà xã dọn bữa ăn sáng, trong tiếng lách cách của thìa, đũa, của chén bát, thì anh cũng tráng phin, tráng ly, pha cho mình ly cà phê ưng ý. Trong không khí ấm cúng, trong không gian nho nhỏ của căn phòng ăn, mùi cà phê như điểm nhấn tô đẹp thêm bức tranh thanh bình của một gia đình nhỏ, của nghĩa phu thê, tình chồng vợ. Thói quen này đã ngấm vào anh cả chục năm nay, đến nỗi, khi đi công tác ngoại tỉnh, anh vẫn chọn quán ăn sáng có bán kèm cà phê. Anh tâm sự: Những lúc như vậy, anh thấy gia đình như gần gũi hơn, nhớ nhà hơn.

Thói quen thưởng thức cà phê là theo “ gu” của từng người. Có người thích uống cà phê sữa, có người thích cà phê đen, hoặc cà phê đen đá; lại có người thích ly cà phê đen được nhỏ thêm mấy giọt chanh. Tuy nhiên, dù có thêm “ phụ gia” gì đi chăng nữa, thì ly cà phê ấy phải gắn với không gian, tâm trạng của người thưởng thức. Bên ly cà phê, người uống thư giãn, tận hưởng một buổi sáng trong lành trước khi bắt tay vào công việc của một ngày mới.

Cuộc sống ngày nay đầy đủ hơn, sung túc hơn nên thói quen uống cà phê sáng đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều người. Cũng vì vậy mà quán cà phê ở Buôn Ma Thuột tăng vọt. Chỉ tính riêng đường Nguyễn Khuyến - con đường chỉ dài chừng ba trăm mét, nằm khuất nẻo ở cuối khu Trung cao Phan Chu Trinh ( cũ) - cũng đã có đến tám quán cà phê, ấy là chưa kể hàng chục “ quán cóc” chỉ bày một, hai bàn phục vụ các bác tài xế xe ôm làm chỗ ngồi đón khách. Chưa có con số thống kê chính xác toàn thành phố Buôn Ma Thuột có bao nhiêu quán cà phê, nhưng tin rằng con số ấy phải ngót nghét hàng ngàn. Kinh doanh đồ uống bằng cà phê, nếu thành công, có thể nói là “siêu lợi nhuận”, vì vậy nhiều người đổ xô vào “ lập quán” cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên: ngoài chất lượng cà phê pha, khi chọn quán để ngồi, người thưởng thức rất cần một không gian phù hợp, tạm gọi “không gian gợi, không gian mở”. Nghĩa là ở đấy người uống thấy hợp với mình, thấy như mình có được một không gian riêng để tâm sự bạn bè, để suy ngẫm, để ưu tư, và thậm chí là để... xả stress. Điều kiện nữa là phải có vị trí và địa thế tốt ( trong kinh doanh gọi là “ Địa lợi”), nghĩa là tiện cho việc “ Alô” mời bạn, tiện cho việc đậu đỗ xe; và điều quan trọng là ở đấy phải có một môi trường thiên nhiên hòa đồng với con người, với cảnh vật.Vì vậy, điều dễ hiểu là có những quán cà phê đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng càng ngày càng vắng khách. Ngược lại, có quán chỗ kê bàn chỉ là vỉa hè, dưới bóng những hàng cây trứng cá, những cây bàng… nhưng lại nườm nượp khách; tiêu biểu là quán cà phê của bà Năm trên đường Nơ Trang Lơng. Quán này trước năm bảy lăm là căn nhà gỗ rộng chừng hai chục mét vuông, sau đó được xây lại bằng gạch, lợp tôn, bài trí cực kỳ đơn sơ, phía trong là nơi pha chế, kê thêm được bốn bàn, còn lại gần ba chục bàn được bày trên vỉa hè của đường Nơ Trang Lơng và đường Lý Thường Kiệt. Ấy vậy nhưng khách đông suốt ngày.

Là miền đất được mệnh danh là “ Thủ phủ cà phê”, nơi đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng cà phê, tỉnh Dak Lak đã bốn lần tổ chức thành công Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột để quảng bá cho mặt hàng chủ lực của mình. Lá cà phê có màu xanh mỡ màng, hoa cà phê màu trắng tinh khiết, trái cà phê chín mang màu hồng tươi, mòng mọng như hình giọt máu. Cả ba màu hòa trộn, tinh kết, làm nên một màu nâu đen mê hoặc biết bao người. Cà phê Dak Lak đã mê hoặc, đang mê hoặc, và sẽ còn tiếp tục mê hoặc hàng triệu người.

Nếu bạn không tin, hãy cứ một lần uống thử mà xem...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.