Thương quá, giá như...
Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 đã qua được một tuần, nhiều niềm vui đã đọng lại; nhưng có một dư âm buồn còn vương mãi - ấy là phận của những người không được hưởng niềm vui của ngày 8-3, và những phụ nữ không hề biết có một ngày như vậy dành cho phái mình…
Bạn đọc chắc vẫn còn xót lòng khi sáng 8-3 lướt các trang báo đều đọc được tin: sáng ngày 7-3, hai cháu nữ sinh Trường Đại học Hải Phòng là Trần Thị Hoa và Trần Thị Trang (đều 21 tuổi) đi mua hoa về bán nhân ngày 8-3, nhưng bị một xe container chạy ẩu cuốn vào gầm xe kéo lê 50m, cả hai cháu tử vong tại chỗ. Mẹ của các cháu ngậm ngùi cho biết: do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn nên các cháu phải tranh thủ sáng sớm đi mua hoa về bán nhằm kiếm thêm tiền phụ cho việc sinh hoạt và học tập. Nào ngờ…
Tội chưa? Lẽ ra ngày này là ngày các cháu phải được người khác tặng hoa, được người thân bạn bè trao những lời nói đẹp nhất, hay nhất dành cho phái yếu, phái đẹp. Thế nhưng, chính các cháu phải bươn trải, phải quên đi “Ngày của mình” để mang cái đẹp, mang niềm vui đến cho người khác. Và chỉ vì hành vi của một kẻ chạy xe ẩu đã cướp đi mạng sống của các cháu, để mãi mãi các cháu không có ngày 8-3 trong đời, để không còn mong có cơ hội được tặng hoa, được nhận những lời chúc tốt lành. Thương tâm quá!
Còn nhớ trước và trong ngày 8-3, trên vỉa hè các tuyến đường Lê Duẩn, Phan Chu Trinh TP. Buôn Ma Thuột cũng có rất đông các cháu nữ sinh viên ngồi bán các loại hoa hồng, hoa lay ơn… cho khách đi đường. Những lẵng hoa nho nhỏ, xinh xinh do tự tay các cháu cắm, bày trên những kệ nhỏ đã làm duyên dáng, mềm mại thêm những đoạn đường. Thế nhưng, người bán thì nhiều, người mua thì lác đác. Thương làm sao khi bắt gặp ánh mắt các cháu chợt lóe lên niềm vui khi có khách ghé vào hỏi giá cả. Hỏi, nhưng không mua hoặc trả quá thấp; và các cháu chỉ còn biết kiên nhẫn… chờ. Thật sự, chính người viết bài này cũng cảm thấy hoang mang khi đến chiều tối 8-3 (là ngày cuối cùng hy vọng bán được các loại hoa), khi thành phố đã lên đèn nhưng các kệ hoa vẫn còn khá nhiều hàng. Hoa tồn đọng, cũng có nghĩa là các cháu sẽ phải chịu một khoản tiền lỗ không nhỏ so với những đồng vốn ít ỏi mình có được. Chợt nhớ cách đây 4 năm, con gái tôi cũng cùng các bạn góp vốn (từ những đồng tiền được lì sì trong dịp tết) mua hoa về bán dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Ngồi phơi nắng phơi gió bên vệ đường suốt 3 ngày, khi về cháu bảo: Bố ơi, chúng con lỗ mất hai trăm nghìn, chia đều cho bốn đứa, mỗi đứa phải góp vào năm mươi nghìn đồng trả tiền mua hoa. Con xin bố năm mươi nghìn để nộp, bố nha!”. Tôi đưa con gái năm mươi nghìn đồng và được cháu tặng lại một lẵng hoa… ế!
Thương con gái, thương các cháu, nhưng tôi lại nghĩ: âu cũng là một dịp để các cháu trải nghiệm thực tế cuộc sống, để hiểu giá trị của đồng tiền chân chính do tay mình làm ra khó biết chừng nào, và quý biết chừng nào. Cũng qua những ngày ngồi trên hè phố, các cháu dần biết được cách tiếp cận cuộc sống phải lo“ Cơm áo, gạo tiền”, học cách thương mẹ thương cha đang vất vả, tất tả ngược xuôi để sao cho có bát cơm manh áo, để các cháu có tiền ăn học. Bởi trong thực tế, hiện còn biết bao nhiêu bà mẹ ở nhiều vùng quê không biết có một ngày 8-3, chưa một lần trong đời được nghe lời chúc mừng, được nhận một bông hoa tặng trong ngày này…
Rồi lại nghĩ, lại ước giá như cuộc sống đỡ vất vả hơn, kinh tế khấm khá hơn để các cháu chỉ phải lo chuyên tâm cho việc học hành, không phải đi làm thuê, rửa bát thuê, đi gánh nước mướn… lấy tiền trang trải cho sinh hoạt và học hành như hai cháu Hoa và Trang. Và ước mong sao khi các cháu ra trường là có việc làm, được làm việc để đền ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục, nuôi ăn nuôi học thành người như hôm nay!
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc