Dùng thuốc thôi miên cướp tài sản - có hay không?
Lâu nay, chuyện một số kẻ xấu sử dụng phương pháp “thôi miên” cướp tài sản được đồn thổi là đã xảy ra không chỉ ở đô thị, thành phố, mà còn diễn ra ở cả nông thôn. Kẻ gây án thì vô can vì không để lại dấu vết; người bị hại là nhân viên bán hàng ở siêu thi, chủ hiệu bán tạp hóa ở ven đường…
Dư luận lại một phen lo lắng trước thông tin đang có loại thuốc thôi miên để cướp tài sản một cách nhẹ nhàng. Có thông tin cho rằng chỉ cần dùng bình xịt như nước hoa, hay chỉ cần chạm nhẹ vào người, vỗ vai... ngay sau đó “nạn nhân” nhanh chóng bị “thuần phục” đem tiền bạc, tài sản đưa cho kẻ bất lương.
Theo ông chủ nhiệm bộ môn thông tin dự báo (Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết: “Thôi miên là hiện tượng có ở một số người có khả năng đặc biệt. Họ có thể dùng lời nói để đưa người khác rơi vào một trạng thái hoàn toàn khác (gọi là trạng thái thôi miên), khiến đối tượng bị mất đi sức lực và hành động theo lời nói của mình.
Nếu muốn thôi miên một người nào đó phải có thời gian dẫn dụ và qua những cuộc chuyện trò để người này chìm vào giấc ngủ tạm thời trong tư thế nhắm mắt mới điều khiển được người ta.
Theo các tài liệu đăng trên báo chí nước ngoài thì “thuốc thôi miên” đã từng xuất hiện trên thế giới, có chức năng làm ức chế tạm thời lý trí của con người trong một khoảnh khắc nhất định để điều khiển làm theo ý mình, chứ không cần mất thời gian nhiều như quá trình thôi miên.
Loại biệt dược này chưa thấy xuất hiện ở nước ta, nhưng qua đối chiếu từ nhiều vụ lừa đảo cướp đoạt tài sản ở một số địa phương do các nạn nhân thuật lại thấy rất có thể kẻ gian đã dùng loại thuốc trên, vì vụ nào cũng chỉ xảy ra trong giây lát, ngắn ngủi, không để lại dấu vết. Trong khi đó nạn nhân vẫn tỉnh táo, hành động bình thường chứ không rơi vào trạng thái được “ru ngủ”.
Theo các nhà khoa học, từ lâu thôi miên là một trạng thái được ứng dụng trong y học, dùng để điều trị bệnh nhân trong trường hợp đặc thù và cần thiết. Người thôi miên phải trải qua quá trình tập luyện lâu dài mới có thể điều khiển được người khác và phải được sự đồng ý của người được thôi miên.
Thực tế đã có thuốc thôi miên, nhưng nó chỉ được phép sử dụng trong ngành y tế để điều trị chữa một số bệnh đặc thù dưới sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của ngành quản lý cấp trên, không được tùy tiện khi dùng nó.
Theo báo chí thế giới, ở Colombia có một loài cây mọc hoang dại, có tán lá rộng, những bông hoa trắng và vàng, người bản địa gọi tên là Borrachéro; khi bào chế sẽ cho ra loại dược phẩm Scopolamine. Người dân sở tại đã biết tới sự nguy hiểm của chất này khi nhiều chị em khai báo với cảnh sát rằng họ đã tự nguyện lục túi đưa tiền cho người lạ, thậm chí biết mình bị hiếp mà không hề phản kháng. Từ đó cảnh sát xác định chính là chất được bào chế từ cây Borrachéro.
Chất Scopolamine có thể tác động đến hệ thần kinh Trung ương, giúp các cơ trên cơ thể người êm dịu đi. Chất này thường dùng để “gây mê” khi phẫu thuật bệnh nhân trong bệnh viện, là loại dược phẩm không có màu và mùi vị.
Tại Mỹ, Bộ Ngoại giao đã đưa ra lời cảnh báo với khách du lịch tới Colombia hãy cẩn thận vì những tên tội phạm có thể dùng chất này để “vô hiệu hóa” tạm thời tầm kiểm soát của khách du lịch để chúng thực hiện hành vi xấu. Chính trên Website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng khuyến cáo khách du lịch hãy cảnh giác với đồ ăn thức uống tại vùng nông thôn Colombia khi chất Scopolamine có thể được hòa vào với nước, sữa, thuốc lá. Và cũng đã có chuyện cơ quan trình báo nhiều nước trên thế giới dùng chính chất này trong quá trình xét hỏi, lấy lời khai bọn tội phạm rất hiệu quả và chính xác…
Để tránh được thuật thôi miên, mỗi người phải năng rèn luyện sức khỏe để chủ động tránh được bọn xấu thôi miên mình; cần cảnh giác tránh giao tiếp với người lạ, nếu nghi ngờ cần có hành vi dứt khoát để tránh hậu quả.
La Sơn Thái (St,bs)
Ý kiến bạn đọc