Multimedia Đọc Báo in

Chiếc bàn tròn

15:52, 02/08/2013

Khi xưa, vào những ngày mưa lạnh hoặc buổi tối rét mướt, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên bếp lửa. Bây giờ thỉnh thoảng mọi người lại “quây quần” bên chiếc bàn tròn mỗi khi có cỗ. Trong những lúc như thế, cảm giác chung là sự ấm áp, chan hòa; thật đúng nghĩa của từ này là “xúm xít, đông vui”.

Đọc trong sách vở thấy rằng từ xa xưa, ở xứ người, chiếc bàn tròn được xem như là “một phát minh kỳ diệu” để hóa giải những “đố kỵ bần tiện” (Marcel Mauss) giữa các hiệp sĩ. Marcel Mauss cho biết, trong sử biên niên về Arthur, dưới thời vua Arthur (một thủ lĩnh huyền thoại tại Anh, thời đầu thế kỷ thứ 6), các hiệp sĩ chỉ vì kèn cựa nhau vị trí ngồi trong bàn tiệc nên thường biến những bữa tiệc vui thành những “cuộc ẩu đả ngu xuẩn”, những trận chém giết đẫm máu.

Lúc bấy giờ, có một người thợ mộc nói với vua: “Hạ thần sẽ làm cho bệ hạ một cái bàn rất đẹp mà khi ngồi quanh đó không hiệp sĩ nào có thể giao chiến, bởi vì người có chức tước cao cũng ngang hàng với người có chức tước thấp”. Và chiếc bàn tròn đã ra đời từ đó. Quả là với sự xuất hiện của chiếc bàn tròn, không còn “vị trí đầu bàn” nữa, những “cuộc ẩu đả ngu xuẩn” cũng chấm dứt!

Tuy nhiên trong quản lý xã hội cần phải có “vị trí đầu bàn”, phải có thứ bậc, có người điều hành và chấp hành. Nhưng cũng không nên vì thế mà bỏ qua “tinh thần hòa hợp”, quy tụ mọi người. Điều trớ trêu là trong cuộc sống, nhiều người vẫn thường hay có sự lẫn lộn vị trí của mình. Khi cần anh ở “vị trí đầu bàn” thì anh lại lảng sang vị trí khác; lúc cần “tinh thần bàn tròn”, anh lại sỗ sàng làm người cầm đũa chỉ huy. Đây cũng chính là mầm mống nảy sinh sự tranh giành nhau một vị trí chỗ ngồi, vì ở đó nó sẽ mang lại “sự thuận tiện” và cả lợi ích cá nhân. Mỗi một khi những giá trị, những chuẩn mực xã hội bị đảo lộn thì sự “đố kỵ bần tiện” cũng không thể nào bị loại bỏ. Bởi đơn giản rằng, ở đâu dung dưỡng cho cái xấu thì ở đó là môi trường thuận tiện cho cái xấu nảy nở và lên ngôi.

Xem ra thời nào cũng vậy, cái “chỗ ngồi” nó quan trọng lắm. Vấn đề là ngồi đúng vị trí của mình, đúng trong từng hoàn cảnh, từng thời điểm cụ thể. Nhà dân tộc học Marcel Mauss từng đưa ra kết luận: Họ chỉ được hạnh phúc khi họ biết ngồi, như các nhà hiệp sĩ, chung quanh tài sản có chung với nhau. Ở đây, chúng tôi muốn nói rõ hơn, “tài sản chung” chính là những “giá trị” mà cộng đồng cùng tạo ra.

Biết lúc nào cần ngồi lại với nhau quanh chiếc bàn tròn, theo Mauss, cũng còn thể hiện một cách “ứng xử lịch thiệp”, “phẩm chất công dân” và cũng “cho phép thấy được, đo lường được” nghệ thuật của sự lãnh đạo có ý thức.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.