Hiểu để mà yêu
“Nếu phải hiểu để có thể mà yêu thì lại phải yêu để có thể mà hiểu”, có lẽ lời tâm sự này của Jacques Dournes một nhà dân tộc học người Pháp đối với bất kỳ ai đã từng đọc các tác phẩm nổi tiếng về Tây Nguyên của ông: “Miền đất huyền ảo”, “Rừng, đàn bà, điên loạn” và tuyệt tác “Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương”… biết tới không chỉ như vấn đề thuộc về phương pháp mà còn như một công thức, công thức “hiểu và yêu”.
Câu nói của Jacques Dournes dù dành riêng cho trường hợp hiểu về Tây Nguyên nhưng cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội và rộng hơn nữa là cả trong đời sống xã hội nói chung.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận định: “Đến với một dân tộc khác bao giờ cũng là ta từ bên ngoài mà nhìn vào, nếu không nói là từ bên trên mà nhìn xuống như rất dễ xảy ra trong trường hợp Tây Nguyên”. Thực tế, cách quan sát và đánh giá một nền văn hóa này từ những chuẩn mực của một nền văn hóa khác cũng là điều dễ xảy ra. Chẳng hạn, thật khó khăn trong việc hình dung cho chính xác và mạch lạc hệ thống quan hệ thân tộc và hôn nhân theo thiết chế mẫu hệ của người Tây Nguyên bởi lý do chính là chúng ta đã quen với mô hình quan hệ thân tộc và hôn nhân theo phụ hệ của người Kinh.
Tuy vậy, định kiến khi quan sát một nền văn hóa khác không chỉ là đầu mối của cách hiểu sai mà nó còn có thể đưa người ta đến với những cách giải thích, cách đánh giá và cách đối xử sai lầm. Do vậy phải tạo được cái nhìn không phải từ bên ngoài, càng không phải là từ bên trên, mà nhìn từ bên trong. Để có được cái nhìn như vậy thì như công thức của Jacques Dournes, phải “hiểu và yêu”.
Xét cho cùng, có nhiều chuyện tưởng hiểu được không dễ nhưng cũng sẽ là chuyện dễ hiểu nếu mình thực sự muốn tìm hiểu về nó. Có những chuyện, nếu bằng một tình yêu chân thành, chúng ta có thể hiểu được, còn không thì sẽ không bao giờ hiểu được, thậm chí là còn hiểu sai và từ đó làm sai.
Chúng ta vẫn có thói quen thường đánh giá về người khác thông qua những gì mình cho là chuẩn mực. Khi thấy không phù hợp với “chuẩn mực” của mình thì phàn nàn, chê bai mà không chịu đặt mình vào vị trí người khác để mà “hiểu”, mà lý giải và chia sẻ. Cũng có trường hợp nhân danh lòng yêu thương, tinh thần trách nhiệm để rồi đem “tặng cho” những cái mình cho rằng người ta cần, mà không hề quan tâm đối tượng được nhận “món quà” ấy có hài lòng không.
Trong nhiều cách làm, cách ứng xử hiện nay của một số cấp chính quyền và những người có trách nhiệm đối với cộng đồng xem ra những tâm sự của Jacques Dournes vẫn còn không ít giá trị.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc