Multimedia Đọc Báo in

Người ơi đừng tuyệt vọng

17:34, 03/10/2013

Tháng 7-2013, người ta phát hiện và đưa hai cha con người rừng Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang về với đời sống cộng đồng sau 40 năm sống hoang dã. Họ đã sinh sống suốt 40 năm trong rừng sâu mà không hề có sự trợ giúp của con người, không bác sĩ, không thuốc men, không có tất cả. Báo chí quốc tế cũng đưa tin về câu chuyện như một câu chuyện khó tin giữ đời thường. Và câu chuyện của họ hâm nóng đề tài “sức chịu đựng của con người” trước mọi hoàn cảnh khó khăn.

Đối với con người từ đời thường rơi vào hoàn cảnh như vậy, sẽ có mấy ai chịu đựng nổi? Ấy vậy mà có những tấm gương đáng để ta học hỏi biết bao nhiêu.

Ở Việt Nam ta, có chuyện Mai An Tiêm, một nhân vật truyền thuyết thời Hùng Vương. Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm vốn là nô bộc, được Hùng Vương thứ mười bảy tin yêu nhận làm con nuôi và phong cho làm quan, trở nên phú quý. Sau vì làm phật ý vua khi dám nói “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, gia đình Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang mà không được mang theo thứ gì, tương truyền nay là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Tại đây, chàng cùng vợ con chăm chỉ làm ăn, gầy được giống dưa hấu quý và tạo dựng được cuộc sống. Sau được Hùng Vương cho đón về. Mai An Tiêm trở thành một biểu tượng cho tinh thần lao động sáng tạo và không chịu khuất phục trước khó khăn của cuộc sống xưa.

Gần chúng ta hơn, có thể kể đến Nguyễn Đình Chiểu, một con người có nghị lực phi thường đáng học tập. Vừa bước vào đời với bao ước vọng về công danh chưa thỏa thì bao bất hạnh chồng chất cùng lúc: Mẹ mất, bỏ thi về chịu tang mẹ, khóc mẹ đến mù mắt. Về đến nhà thì gia đình người yêu bội ước. Đất trời như sụp đổ, tưởng chừng như vượt ngưỡng chịu đựng của một thanh niên nhiều hoài bão. Nhưng rồi ông vẫn vượt qua hoàn cảnh để trở thành một thầy giáo giỏi, một thầy thuốc giỏi, một nhà thơ lớn của dân tộc. Chính Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác truyện Lục Vân Tiên để nói lên cuộc đời mình và những ước mơ của mình. Ông không được như Lục Vân Tiên, nhưng những những gì ông làm được đáng để chúng ta ngưỡng mộ và học tập.

Ngày nay, chúng ta đều biết thầy Nguyễn Ngọc Ký, Nhà giáo ưu tú đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết. Thầy Ký cũng là một tấm gương để bao người gặp bệnh tật phải học tập. Bị liệt cả hai tay từ năm 4 tuổi, nhưng thầy vẫn miệt mài tập viết bằng hai chân, học đại học, đi dạy học, diễn thuyết về lẽ sống.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký

Được Bác Hồ tặng huy hiệu Hồ Chí Minh, được Nhà nước vinh danh, tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm nay gần bảy mươi tuổi, mỗi tuần chạy thận 3 lần nhưng thầy vẫn miệt mài viết và đánh máy vi tính bằng chân. Đúng là một người thầy vĩ đại của đất Việt. Ngày 27-9-2013, VnExpress.net đã dành một buổi phỏng vấn và giao lưu trực tiếp với người thầy liệt hai tay Nguyễn Ngọc Ký. Thầy đã khuyên tuổi trẻ muốn thành công phải biết ước mơ, nuôi khát vọng và dũng cảm cắt những cái thừa, đặc biệt là thừa thời gian. Đúng là một nghị lực phi thường.

Trên thế giới, Nick Vujicic là một người nổi tiếng, anh ấy một chàng trai bất hạnh từ nhỏ khi sinh ra mà không có chân tay như người bình thường. Anh đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác, cuối cùng anh đã quyết định đối mặt với khuyết tật của mình. Nick Vujicic đi khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết truyền động lực về cuộc sống của một người khuyết tật mang hy vọng và mong muốn tìm được ý nghĩa cuộc sống. Anh đã tốt nghiệp đại học và trở thành một diễn giả nổi tiếng về chủ đề làm chủ cuộc sống. Với những gì làm được, giới trẻ hiện nay dành cho anh sự ngưỡng mộ.

Nick Vujicic
Nick Vujicic

Từ ngày 22 đến 26-5-2013, anh đến Việt Nam, tạo nên cơn sốt thật sự trong giới trẻ. Người ta bắt đầu nhìn Nick và những người khuyết tật của Việt Nam bằng đôi mắt khác. Rằng họ có thể được nhiều việc hơn chúng ta tưởng, nếu chúng ta tạo điều kiện cho họ. Nick như một minh chứng về chuyện cổ tích trong đời thường. Nghị lực của anh đã soi sáng con đường để anh đứng lên và thành công trong cuộc sống.

Bác sĩ Glenn Cunningham, người chạy nhanh nhất thế giới trong cự ly một dặm vốn là một cậu bé bị bỏng nặng bị tổn hại đến mức lẽ ra chết thì hay hơn bởi vì cậu sẽ là kẻ vô dụng sống một cuộc đời tàn phế. Cậu bé dũng cảm quyết định mình không là người tàn phế. Nhờ bàn tay của mẹ, nhờ ý chí sắt đá, cậu đã tự đứng dậy, bước đi và …chạy. Cậu bắt đầu đi bộ đến trường, rồi bắt đầu chạy tới trường, rồi chạy để tận hưởng niềm vui sướng được chạy. Sau này cậu chạy với tư cách là vận động viên chuyên nghiệp và được mệnh danh là “Người đàn ông thép của Kansas” (Kansas Ironman), “Cánh én Kansas” (Kansas Flyer), “Con ngựa sắt vùng Kansas” (Iron Horse of Kansas), và “Con tàu tốc hành Elkhart” (Elkhart Express), những biệt danh do báo chí và người hâm mộ đặt cho ông, người phá kỷ lục thế giới cự ly chạy 1 dặm với thành tích 4’06”08 vào năm 1934, khi ông chưa đến tuổi 25. “Tôi luôn tin rằng tôi có thể đi lại bình thường, và đó là sự thật. Giờ đây tôi sẽ chạy, và chạy nhanh hơn bất kỳ người nào khác!”, Glenn phát biểu như thế sau khi lập kỷ lục thế giới. Sự tự tin tuyệt với ấy được phát biểu bởi một người đứng lên từ sự tuyệt vọng của cuộc sống. Thật đáng để học tập.

Robinson Crusoe là tên nhân vật và cũng là tên tiểu thuyết phiêu lưu viễn tưởng của nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731). Tuy là nhân vật tiểu thuyết nhưng Robinson lại được xây dựng từ chuyện có thật về một thủy thủ tên Alexander Selkirk (1676-1721). Trong một chuyến làm ăn lớn trên con tàu trọng tải 120 tấn xuất phát từ Nam Mỹ đi châu Phi, không may tàu gặp nạn, bị đắm, chỉ có một mình Robinson thoát chết trong số 14 thủy thủ trên tàu. Chàng dạt vào một đảo hoang và bắt đầu cuộc sống dã nhân.  Sau 28 năm, 2 tháng và 19 ngày vật lộn với thiên nhiên, Robinson đã trở về với thế giới loài người. Sau khoảng thời gian khá dài, Robinson học cách thân thiện trở lại với thế giới ấy. Robinson lấy vợ và có ba đứa con, chấm dứt khao khát phiêu lưu kỳ thú và gian truân, Robinson an phận với cuộc sống bình thường không chút âu lo đến cuối đời. Đương đầu với muôn vàn khó khăn của thiên nhiên và giành chiến thắng, nếu không có một tinh thần yêu đời, lạc quan, có niềm tin yêu mãnh liệt về tương lai thì sao có thể thực hiện được “kỳ công” như thế?!

Ở Nga, chuyện M. Gor-ki mồ côi từ nhỏ, bị ném vào đời từ bé, mất niềm tin vào cuộc sống, nhưng vẫn phấn đấu thành nhà văn kiệt xuất của thế giới cũng đáng để những em nhỏ mồ côi học tập. Bên cạnh đó cũng nên kể đến cô Helen Keller - người Mỹ đã vượt qua những cú sốc tinh thần để trở thành người vừa mù vừa điếc đầu tiên ở Mỹ lấy bằng tốt nghiệp đại học. Cô còn trở thành một diễn giả được yêu thích, thậm chí, cô còn viết và xuất bản sách. Trở thành tấm gương vượt lên từ bất hạnh.

Tất cả nhờ vào ý chí và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cá nhân họ. Khát vọng sống mãnh liệt đẩy lùi bệnh tật. Tinh thần lạc quan giúp họ luôn yêu đời và vươn lên. Họ luôn lao động, học tập và tìm kiếm cơ hội, tận dụng lợi thế họ có để phát huy sức mạnh. Những tai họa, những bất hạnh, những bệnh tật, những rủi ro của họ có thể nói là đủ lớn để biến người ta thành phế nhân hoặc người tuyệt vọng, muốn chết hơn là sống. Nhưng họ đã vượt qua nỗi đau tinh thần và thể xác để vươn lên hoàn cảnh. Không có lý do gì để chúng ta thất vọng về bản thân khi chúng ta không gặp những khó khăn rủi ro to lớn như họ, lại có điều kiện tốt hơn họ. Chỉ cần có niềm tin, tin sẽ làm được thì lúc nào đó, chúng ta sẽ làm được. Hãy tin rằng bất hạnh và bệnh tật chỉ là nốt trầm của đời bạn, còn những đoạn đường tươi đẹp nữa mà bạn sẽ có nếu bạn biết cách vượt qua nỗi đau. Đúng như người ta nói “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”.

Thân Nguyễn Luận
 


Ý kiến bạn đọc