Multimedia Đọc Báo in

Ngành nghề, công việc của người dân miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX qua tranh của một nhà nghiên cứu Pháp

11:39, 13/02/2014
"Kỹ thuật của người An Nam" là cuốn sách được khảo cứu công phu đầu thế kỷ XX của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger (1885-1936?). Đây cũng là công trình duy nhất của Henri Oger, được hoàn thành vào năm 1909 khi ông 24 tuổi.
 
Trong công trình nghiên cứu này, qua hơn 4.000 bản khắc tranh, Henri Oger đã sưu tầm, khái quát và giới thiệu một nền văn hóa vật chất phong phú, được kết tinh từ sự khéo léo tuyệt vời và khả năng nhạy bén trong sử dụng các chất liệu và công cụ vốn thường thô sơ của người dân Việt Nam đầu thế kỷ XX. Do đó, đối với giới khoa học, cuốn sách là một kho tàng thông tin mới mẻ về sự đa dạng của các ngành thủ công nghiệp và tri thức dân gian tại miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX. 
Không chỉ là một công trình nghiên cứu, “Kỹ thuật của người An Nam” còn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự bởi nét đặc sắc, tinh tế của khoảng 4.200 bức vẽ và tranh khắc. Nét vẽ mộc mạc mà không làm mất đi tính chính xác của nội dung mô tả bằng hình vẽ, sự chăm chút hết sức tỉ mỉ của người thợ vẽ để nắm bắt những thao tác thường nhật và những ứng xử hết sức đời thường của người dân miền Bắc Việt Nam là những yếu tố tạo nên tính nhân văn sâu sắc cho toàn bộ cuốn sách. Bên cạnh đó, mỗi hình ảnh lại có chú thích bằng chữ Hán và chữ Nôm có thể giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp cận nghiên cứu chữ Nôm đầu thế kỷ XX. 
 
Trong cuốn sách, nhiều ngành nghề và kỹ thuật của nước ta được tái hiện trên những bức tranh sinh động. Các nghề truyền thống của người dân miền Bắc Việt Nam được Henri Oger nghiên cứu, mô tả như:  sơn mài, thêu, khảm trai, khắc gỗ, làm giấy, làm lọng, làm quạt giấy, tô hình trang trí sách, in bản xứ, thợ cạo, làm tương, chữa đồ làm bằng tre, nghề chuyên chở, may mặc, nhuộm, thực phẩm, đánh cá, làm gạch… Còn nhiều các nghề khác hoặc các công việc khác chỉ được khắc trên tranh và được chú thích bằng chữ Hán và chữ Nôm như nghề rèn, cải táng, buôn bán, lợp nhà, cắt cỏ, kéo xe, cưa gỗ, sàng sảy gạo, thu hoạch đậu lạc, gieo hạt, đan lát…
 
Các ngành nghề của người dân An Nam được Henri Oger tìm hiểu rất kỹ và mô tả cụ thể. Chẳng hạn, Henri Oger  nhận xét nghề điêu khắc gỗ có tầm quan trọng đáng kể ở An Nam. Người châu Âu đến thăm Hà Nội có thể nhận ra điều này khi dạo phố Hà Nội, phố Hàng Quạt chỉ có thợ khắc gỗ làm việc, nghề khắc gỗ đã tạo nhiều công ăn việc làm ở xứ sở này, nội thất của các ngôi chùa, các gia đình phong lưu, các đồ thờ tổ tiên đều có sự góp mặt của thợ làm nghề khắc gỗ. Về mặt nghề nghiệp, thợ khắc gỗ An Nam tỏ ra thực sự nổi trội. Khi nhận xét về nghề in sách, Henri Oger có những nhận định riêng, nghề in sách là nghề kéo dài suốt thời phong kiến, sách in bằng ván khắc các chữ Hán, Nôm. Một người giỏi thi pháp viết lên tờ giấy bản xứ, giấy này trong suốt. Các tờ sách được giao cho một thợ khắc gỗ. Người thợ này dán các tờ sách lên một tấm gỗ rất cứng gọi là gỗ thị, loại gỗ cứng này không bị côn trùng làm hỏng, tạo ra bản in rõ nét, ăn mực rất đẹp. Một ít dầu bôi trên tấm gỗ làm hiện ra các nét chữ chưa rõ. Người thợ bắt đầu loại bỏ các phần trắng, sau đó tấm gỗ được giao cho thợ in. Khi nhận xét về nghề làm thuốc lào, Henri Oger viết: “Xếp nghề làm thuốc lào, thuốc lá vào hàng các nghề thực phẩm thật là liều lĩnh. Tuy nhiên, ai đã sống một thời gian ở xứ sở An Nam đều nhận thấy ngay rằng người dân bản xứ tỏ ra rất thích thuốc lào, thuốc lá. Với họ, đây không còn là giải trí nữa mà là nhu cầu thực sự. Hãy hỏi một người An Nam, anh ta sẽ trả lời bạn rằng đó là chất kích thích, là thuốc tăng lực đối với anh ta. Vì thế, trong mỗi nhà đều có một ống điếu. Khi người khách bước vào nhà, người ta đưa ngay vật này mời khách; khách không bao giờ từ chối sợ mang tiếng là thô lỗ. Người thợ đi làm luôn mang theo chiếc điếu cày. Ta gặp người bán thuốc lào ở khắp các phố. Cũng như những người bán hàng ở Pháp, họ không thích bán lẻ. Họ muốn chế biến thuốc lào thực sự và muốn tạo thành một nghề riêng”. Những công việc khác được miêu tả qua tranh như lợp nhà, đóng gạch, làm bờ phên tường gắn liền với cư dân làm nông nghiệp. Hình ảnh lợp nhà bằng tranh và làm phên nhà bằng cách đan lát là công việc rất phổ biến của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ xưa kia.
 
Có thể nói, bằng cái nhìn và trải nghiệm thực tế, Henri Oger đã khái quát được văn hóa và cả nhiều vật dụng được sử dụng trong đời sống của cư dân làm nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, tác giả cũng tái hiện những trò chơi dân gian của trẻ thơ như nu na nu nống, thả diều đuổi bướm, nặn pháo đền, đánh cờ, chơi cà kheo, múa lân… 
 
Hình ảnh người chèo đò, đánh cá, thả diều
Hình ảnh người chèo đò, đánh cá, thả diều

 

Nghề đan quạt, làm trống, cán bột.
Nghề đan quạt, làm trống, cán bột.

 

Thợ cưa
Thợ cưa

 

Lợp nhà và xẻ gỗ.
Lợp nhà và xẻ gỗ.

Đặc biệt, trong hơn 4.000 bức tranh có rất nhiều bức vẽ hình ảnh con ngựa. Qua các nét vẽ, ngựa hiện lên thật sinh động ở nhiều góc độ khác nhau, cho thấy vai trò quan trọng của loài vật này trong đời sống xã hội và văn hóa phương Đông.

Đua ngựa
Đua ngựa

 

Ngựa chiến Lục xuất Kỳ Sơn
Ngựa chiến Lục xuất Kỳ Sơn (thời Tam Quốc - Trung Quốc)

 

Ngựa chiến trong trận Bành Thành.
Ngựa chiến trong trận Bành Thành (Trung Quốc).

 

 

Ngựa cưỡi mây.
Ngựa cưỡi mây.

 

Ngựa Trang Nguyên cập đệ
Ngựa Trạng nguyên cập đệ

 

Ngựa và người lính.
Ngựa và người lính.

 

Ngựa vinh quy bái tổ và ngựa xa giá.
Ngựa vinh quy bái tổ và ngựa xa giá.

 

Hình vẽ Quan Vũ cưỡi ngựa tha cho Tào Tháo.
Hình vẽ Quan Vũ cưỡi ngựa tha cho Tào Tháo (thời Tam Quốc).

 

Thiên mã lai triều
Thiên mã lai triều

  Nguyễn Huy Khuyến

 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.