Multimedia Đọc Báo in

Để mỗi người đều có ý thức công dân

08:45, 29/03/2014
Lấy chồng và sang định cư ở Mỹ, một cô bạn của tôi phải làm quen với rất nhiều thứ. Một trong những điều mà cô phải học là chuyện... đổ rác.
 
Cô bạn kể: “Ở Mỹ, rác được phân loại ngay ở khâu vứt rác, cơ bản có mấy loại: rác hữu cơ (những thứ có khả năng phân hủy như đồ ăn, củ quả, thịt thà…), rác vô cơ (những thứ không có khả năng tự phân hủy). Trong rác vô cơ thì có hai loại: loại có khả năng tái chế và loại không có khả năng tái chế. Đang sống ở Việt Nam với quan niệm rác thức ăn, rác đồ uống, rác đồ dùng thức đựng, rác gì cũng chỉ là... rác, mình chóng mặt trước cách phân loại rác rạch ròi ở Mỹ”.

Sau hai năm sống ở Mỹ, sau rất nhiều lần đứng tần ngần trước thùng rác và một vài lần bị nhắc nhở vì đổ rác sai, cô bạn tôi có thể tự tin rằng đã biết vứt rác đúng cách. Ấy thế mà, một lần tình cờ nhìn thấy bố chồng đi vứt rác, cô mới té ngửa rằng hóa ra cô vẫn chưa biết đổ rác thế nào. Bố chồng cô bạn tôi là một người có vai vế trong xã hội, luôn bận rộn với mọi công việc nhưng trước khi vứt rác, bao giờ ông cũng cặm cụi, tỉ mẩn kỳ cọ từng cái hộp nhựa, rửa sạch bóng từng lọ thủy tinh rồi mới mang bỏ vào thùng rác.

Câu chuyện của cô bạn tôi quả thật đáng suy ngẫm. “Ý thức công dân” dường như còn là một khái niệm chưa được nhiều người Việt để ý, dù nó luôn gắn với mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày. Bởi thế mà nhiều người vẫn “hồn nhiên” tè bậy nơi công cộng, xả rác trên đường phố, dẫm đạp lên bồn hoa công viên, chen lấn và không cần xếp hàng khi tính tiền trong siêu thị, thậm chí còn tỏ vẻ ngạc nhiên tại sao lại có người dừng lại chờ đèn đỏ giữa trưa vắng khi trên đường có rất ít người qua lại và không có cảnh sát giao thông! Nhiều trong số những hành động nói trên được pháp luật quy định chế tài xử phạt, song việc xử phạt chỉ mang tính chất răn đe, làm cho nhiều người “đối phó” khi có lực lượng chức năng, còn thì “đâu lại vào đấy”. Hơn nữa, các lực lượng chức năng không thể có mặt tại tất cả “ngõ ngách” của đời sống để mà răn đe hay nhắc nhở. Rõ ràng, ý thức công dân nên xuất phát từ tự thân mỗi người, làm sao cho nó trở thành một nếp sống, một ứng xử văn hóa tự nhiên của mỗi người khi đứng trước tình huống nào đó – được như vậy mới mong xã hội văn minh, tiến bộ.

Thiết nghĩ để mỗi người đều hình thành trong mình ý thức công dân phụ thuộc rất nhiều vào sự giáo dục – từ xã hội, từ nhà trường và gia đình. Không thể giúp học sinh tạo lập ý thức công dân nếu môn giáo dục công dân vẫn được coi  là môn học “phụ” trong nhà trường, khi việc giáo dục kỹ năng sống vẫn chưa được coi trọng và khi người lớn vẫn nhấn mạnh rằng động lực học tập của học sinh là để trở thành một người thành đạt, giàu có, “ông này bà nọ” chứ không chỉ đơn thuần là một “công dân tốt” của xã hội. Cũng không thể mong con cái có thói quen văn minh khi cha mẹ không dạy con cách ứng xử văn minh ngay từ khi còn nhỏ. Thế mới thấy, còn rất nhiều điều phải làm để mỗi người dân trong xã hội đều có “ý thức công dân”…

Hải Như


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.