Multimedia Đọc Báo in

Thất hứa

12:09, 16/03/2014
Trong những ngày Tết, “thu nhập” của trẻ tăng đột biến khi được người thân mừng tuổi. Có thể chưa biết chi tiêu đúng cách nhưng trẻ vẫn thích khi có nhiều tiền. Đứa thì cất tiền bằng cách cho vào “heo đất”; đứa gửi tiền cho mẹ giữ giùm. Năm ngoái, cô cháu gái tám tuổi gọi tôi bằng chú cũng dồn hết tiền mừng tuổi rồi đưa cho mẹ, sau khi được mẹ cảnh báo, hứa hẹn: “Con cầm tiền mất đấy, đưa mẹ giữ cho. Lúc nào con cần, mẹ đưa lại”.

Cũng như nhiều bà mẹ, chị tôi vô tư “chiếm dụng” số tiền con gửi bởi nghĩ đơn giản, trẻ cầm tiền làm gì, không khéo có tiền còn sinh hư. Khi cháu đòi lại tiền để mua quà hay đồ chơi liền bị chị từ chối. Cháu đòi quá thì chị đưa ra lý do đã lấy tiền ấy mua quần áo, sách vở, đồ ăn thức uống hết rồi; nếu còn cố đòi nữa thì bị chị mắng cho. Cháu ấm ức khi bị “bội ước” nhưng đành chịu.

Chị tôi còn thường hứa sẽ thưởng cho con mỗi khi cháu thi đạt điểm cao hay được xếp thứ hạng cao trong học tập. Vào dịp đó, con bé tỏ ý mong muốn những phần thưởng có giá trị nhiều tiền, còn chị muốn khuyến khích con học nên dễ dàng đồng ý. Tuy nhiên, khi cháu đạt được kết quả như đã “giao kèo” thì chị lờ đi hoặc thưởng nhỏ hơn đã hứa…Tưởng cháu đã quên hoặc bỏ qua sự thất hứa của mẹ nhưng hóa ra cháu vẫn nhớ và hơn thế.

Sau Tết vừa rồi, cháu dồn hết tiền mừng tuổi rồi đem gửi bà nội. Bà hỏi sao không gửi mẹ, cháu thành thật: “Mẹ cháu không đưa lại tiền như đã hứa, cháu không tin mẹ nữa!”. Cũng mới rồi, trước khi lên đường đi thi học sinh giỏi, cháu hỏi bố: “Nếu con đạt giải, bố thưởng gì?”. Khi được bố hỏi sao không muốn mẹ thưởng, cháu nói thẳng: “Mẹ không thưởng như đã hứa, con không thích!”. Chị tôi đứng gần đó, nghe con nói vậy thì chỉ cười nhưng có vẻ buồn và ngượng. Tôi nghĩ, thay vì trách con, chị nên tự trách mình.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.