Thói giả dối tệ hại
Chẳng hạn, việc đại diện cấp trên đến tham dự chỉ đạo hội nghị nào đó của cấp dưới là bình thường, là trách nhiệm; thậm chí, nếu không làm thế cũng đồng nghĩa là có khuyết điểm vì thiếu sâu sát.
Thế nhưng không ít cấp dưới dùng vô số mỹ từ để tán dương việc bình thường kia; cho đó là “sự quan tâm sâu sát, dù bận trăm công ngàn việc nhưng thủ trưởng vẫn đến chỉ đạo hội nghị”; cho đây “là sự động viên vô cùng to lớn, là vinh dự đối với đơn vị”; rồi cảm ơn thái quá…. Phát biểu của cấp trên có khi thường thôi, thậm chí chẳng đâu vào đâu nhưng cũng được cấp dưới tung hô lên tận mây xanh, cho là “vô cùng sâu sắc, là những định hướng hết sức quan trọng, là cực kỳ đúng đắn”… đã làm cho đơn vị nâng cao tầm nhận thức… nên nguyện lĩnh hội, quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được những huấn thị quan trọng đó…Người sau lên phát biểu thì cứ liên tục dẫn lại lời cấp trên, đại loại “như thủ trưởng vừa chỉ đạo…”; coi lời cấp trên cứ như khuôn vàng thước ngọc vậy.
Tương tự, những gì liên quan đến sếp được không ít kẻ tâng bốc không biết ngượng mồm, bất chấp tự trọng. Không chỉ lời nói, lắm kẻ giả bộ quan tâm chăm sóc cấp trên một cách khác thường, với đủ các kiểu tinh vi đến… tệ hại. Lắm khi sự giả dối được ngụy trang khéo đến nỗi không dễ nhận ra và người ăn phải “của giả” vẫn cảm thấy dễ chịu nên thật khó cưỡng lại.
Khi người ta dành cho nhau sự giả dối, nhất là với cấp trên thường nhằm mục đích xu nịnh để trục lợi. Xu nịnh lại thường gắn liền với tráo trở, thế nên mới có chuyện, khi phong thanh nghe thủ trưởng sắp nghỉ hưu, lắm kẻ nịnh liền “trở cờ”, hô “biến”. Khi sếp còn tại chức thì thân tình như người nhà nhưng lúc sếp sắp nghỉ liền trở nên xa lạ như người dưng giữa chợ. Tệ hại hơn, trước mặt sếp thì “hót” toàn những lời “có cánh” nhưng sau lưng thì nói xấu đủ điều. Đối xử với nhau theo kiểu “trước mặt thì nể, kể đểu sau lưng”; “nói dzậy mà không phải dzậy” đã không còn là cá biệt.
Khi sự giả dối nhiễm vào các quan hệ nơi công sở sẽ khiến niềm tin giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa cấp trên với cấp dưới bị giảm sút, kéo theo những hệ lụy đáng buồn. Âu đây cũng là biểu hiện của nạn suy thoái đạo đức.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc