Multimedia Đọc Báo in

Háo danh và giả dối

08:45, 27/07/2014
"Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông” - câu thơ ấy của Nguyễn Công Trứ thể hiện trách nhiệm với đời, với mình của một kẻ sĩ. Khi tự ý thức được điều đó, người ta sẽ vươn lên bằng cả nghị lực và công sức để cống hiến cho đời, để khẳng định mình trước xã hội và rồi thành danh. Đó là điều đáng trân trọng; nó khác với sự háo danh như những ví dụ sau đây.

Mang tiếng là làm việc thiện nhưng không ít người lại nhằm quảng cáo thương hiệu hoặc đánh bóng tên tuổi là chính. Bởi việc làm tốt có khi nhỏ thôi nhưng người ta mời báo đài về đưa tin rầm rộ rồi thổi phồng bằng nhiều số liệu ảo.

Ở một địa phương nọ, có trường hợp một doanh nhân tài trợ để xây chùa rồi cho khắc danh tính của mình ngay tam quan, lại đem ảnh gia đình phóng to ra, đặt giữa chánh điện. Lại có người, khi thành đạt liền đi thăm viếng khắp nơi, với tiền hô hậu ủng huyên náo, cứ như đem khoe sự thành đạt của mình với thiên hạ. Đó chẳng phải háo danh, phô trương thì là gì?! Cũng có người đem ảnh mình chụp chung với người nổi tiếng treo đầy nơi phòng khách để “quảng cáo”. Những người này coi việc được thân quen với nhân vật nổi tiếng dường như cũng khiến họ “thơm” lây vậy.

Sự háo danh thường đi cùng giả dối; có khi để được chút hư danh, người ta sẵn sàng làm những điều trái đạo lý và pháp luật. Chạy chức, mua bằng cấp, đạo văn thơ… không chỉ để được lợi vật chất mà còn nhằm thỏa mãn sự háo danh và điều này đã không còn là cá biệt. Cũng bởi thèm khát chút danh ảo mà không ít người “tự phong”, “tự bổ nhiệm” người thân của mình vào những chức vụ hư vô nào đó rồi đem khoe khoang với xung quanh…

Thiển nghĩ, háo danh và giả dối làm tha hóa phẩm chất người trong mỗi con người. Rất tiếc, hiện tượng ấy không còn hiếm gặp thời nay. Vậy nên, mỗi lần nghe ở đâu đó có những người làm việc thiện nhưng giấu tên, tôi lại thầm cảm phục những người ẩn danh đó.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.