20:02, 29/11/2014
Thu xếp công việc cơ quan, tôi vội vàng đưa con trai đến một phòng khám tư chuyên khoa tai mũi họng theo như lịch hẹn với bác sĩ là 11 giờ trưa.
May mắn do gọi điện đăng ký bốc số từ tối hôm trước nên hai mẹ con không phải đợi lâu. Do được làm công tác tư tưởng trước nên với bước khám ban đầu, cậu con trai 5 tuổi của tôi khá ngoan ngoãn ngồi và há miệng cho bác sĩ kiểm tra. Nhưng đến bước khám thứ hai, tiếng dụng cụ, kèm theo việc nhìn thấy mớ dây dợ máy móc thì cu cậu thực sự hoảng. Cháu đưa tay che miệng và có vẻ như muốn ói. Bác sĩ có thái độ khó chịu và nói đại ý rằng: không hợp tác thì làm sao mà khám, mất thời gian. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước thái độ “dỗ dành” bệnh nhân nhỏ tuổi như vậy bởi một đứa trẻ mới 5 tuổi thì chưa thể ý thức để lắng nghe và làm theo mọi yêu cầu của bác sĩ, càng không thể hiểu được sự động viên ở mức “hợp tác” như bác sĩ nói. Ôm con ngồi vào lòng, cố gắng dỗ dành rồi cuối cùng việc khám cũng kết thúc và chẳng biết bác sĩ có kiểm tra kỹ được họng của cháu, chỉ biết theo như bác sĩ tự thừa nhận rằng chỉ có thể kết luận chung chung là viêm mũi họng. Tôi nói thêm các triệu chứng và có hỏi một số thông tin nữa với hy vọng bác sĩ sẽ chẩn đoán rồi kê đơn thuốc hiệu quả cho con trai nhưng vị bác sĩ này trả lời rất vội vàng, thậm chí còn ngắt lời, bảo tôi không cần dài dòng!
Đưa con ra khỏi phòng khám, vẫn còn rất nhiều người ngồi chờ khám. Sự vội vàng, sợ mất thời gian của bác sĩ đã có câu trả lời: Với một lượng thời gian khám ngoài giờ buổi trưa ngắn như vậy, bệnh nhân lại đông như thế nên dễ hiểu khi tại sao bác sĩ lại rất tất bật, vội vã. Nhưng ngẫm lại nhanh nhẹn hoàn toàn khác với nóng vội. Nghĩ đến mỗi lần con ốm tôi lại hoang mang không biết nên đưa con đi khám ở đâu. Vào bệnh viện thì lo quá tải, lây nhiễm chéo; đi phòng khám tư cũng nhiều nỗi băn khoăn. Người ta vẫn thường gọi là “dịch vụ y tế” nhưng hình như ý nghĩa của từ dịch vụ ở đây vẫn còn khiêm tốn lắm khi bỏ tiền đi khám mà cứ như đi… “xin”. Lại nhớ đến yêu cầu “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ) của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến thái độ cán bộ, công chức trong giải quyết công việc với người dân. Kiến thức chuyên môn là quan trọng nhưng kỹ năng tiếp xúc với người bệnh cũng là việc không thể thiếu. Sau khi đi khám bệnh, chưa thấy nói đến chuyện kết quả chữa trị ra sao, đã có những người hớn hở khoe với tôi rằng: “May quá gặp được bác sĩ này nhiệt tình, bác sĩ kia niềm nở, nhẹ nhàng…”. Dường như điều đó cũng là phương thuốc tinh thần hữu hiệu hỗ trợ trong điều trị với người bệnh…
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc