Multimedia Đọc Báo in

Họp dân...

17:22, 07/12/2014
Tại một buổi đối thoại với dân do UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức về lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng, người dân đã đặt nhiều câu hỏi và hầu như được giải trình cụ thể.
 
Nhưng khi buổi đối thoại kết thúc, một cán bộ của Phòng Tài nguyên - Môi trường không lấy làm vui và thốt lên: “Chắc phải xem lại cách tổ chức để … “giữ chân” bà con!”. Chuyện là hơn nửa thời gian đầu của buổi đối thoại ấy, bà con đến và ngồi kín hội trường với con số lên đến cả gần 300 người, nhưng đến cuối buổi thì về gần hết, chỉ còn lại khoảng 10 người.

Thì ra, người nào hỏi xong, sau khi nhận được câu trả lời họ tự động ra về; ai có câu hỏi chưa đến lượt được giải trình thì nán lại, thậm chí có những người chưa kịp nghe tư vấn, giải thích đã bỏ về. Đây cũng chẳng phải là trường hợp hiếm gặp khi thực tế này đã xảy ra với những buổi trợ giúp pháp lý hoặc ngay cả với hoạt động tiếp xúc cử tri. Nhiều buổi họp dân ở thôn, buôn, tổ dân phố cũng vậy, cán bộ phụ trách tổ liên gia có khi đi thông báo từng nhà nhưng số hộ đi được quá bán đã là mừng, mà chưa hết buổi cũng đã “ngót” dần, trong khi một năm lâu lâu mới họp đôi lần. Đó là chưa kể đến việc người chủ trì cứ nói thao thao còn một số người ngồi dưới thì trò chuyện riêng và chỉ ngồi cho… có mặt.

Tôi chợt nhớ đến những buổi họp dân ở thôn tôi trước đây. Ngày ấy, cuộc sống còn nghèo khó, đến điện chiếu sáng cũng chưa có, mỗi lần hội họp phải thắp đèn dầu, sang hơn thì có cây đèn măng-xông, địa điểm được lựa chọn thường là những gia đình có sân nhà rộng rãi; không đủ ghế thì trải chiếu ra ngồi. Vậy thôi mà vừa nhâm nhi chén trà ấm nóng, mọi người sôi nổi thảo luận, phát biểu ý kiến khiến cuộc họp rôm rả ra trò. Bây giờ có hội trường thôn, tổ dân phố, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng buôn với bàn ghế, loa đài, điện chiếu sáng đầy đủ nhưng việc đi họp xem ra có phần… miễn cưỡng. Có người cho rằng, thời buổi khoa học công nghệ phát triển, người dân có nhiều kênh có thể nắm bắt thông tin nên hội họp để nắm tình hình không còn thiết yếu nữa. Nhưng thực tiễn thì muôn hình vạn trạng, những cuộc họp với những nội dung, địa bàn cụ thể cũng vô cùng cần thiết để trực tiếp bàn thảo, lấy ý kiến tập thể và giải quyết. Theo đó, người được mời tham gia họp cũng nên có cái nhìn rộng và sâu hơn bởi thời điểm này, vấn đề ấy, câu chuyện ấy có vẻ như chẳng liên quan gì đến mình nhưng cũng vẫn sẽ là hành trang, kinh nghiệm trong cuộc sống. Thêm nữa, ý thức và thái độ nghiêm túc khi tham dự các cuộc họp ở thôn, buôn, tổ dân phố cũng là cách thực thi, tôn trọng và phát huy quyền dân chủ, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra của mỗi công dân. Cùng với câu chuyện nhận thức và ý thức của người được mời đi họp có lẽ cũng cần xét đến chất lượng và hiệu quả của những buổi họp. Vấn đề đặt ra là lựa chọn nội dung để họp cần mang tính trọng tâm, người chủ trì phải có sự chuẩn bị chu đáo và điều hành tốt cuộc họp. Và đặc biệt quan trọng là các vấn đề đặt ra trong cuộc họp, đối thoại, tiếp xúc cử tri phải được nghiêm túc xem xét, giải quyết, không trở thành những lời hứa suông. Có như vậy, người dân mới thấy giá trị, ý nghĩa và trân trọng, háo hức chờ đợi, tham gia những buổi họp.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.