Văn hóa khen chê
Người xưa từng dạy: "Người khen đúng là bạn ta, người chê đúng là thầy ta". Người có khả năng khen chê đúng mực phải luôn luôn biết tiếp thu ý kiến người khác, biết chắt lọc mọi thông tin từ nhiều chiều khác nhau, từ đó đưa ra cách xử lý sáng suốt, hợp lý hợp tình, giúp người khen không tự mãn, người chê tự nhận thức tiếp thu học hỏi và sửa chữa mà không giận mình.
Nét đẹp văn hóa ở người biết khen chê chính là xuất phát từ cái tâm trong sáng. Chính ý nghĩ vô tư, mong giúp người khác tốt đẹp hơn sẽ khiến cho họ cố tìm ra phương pháp khen chê hợp lý, trên tinh thần thân thiện, cởi mở là điều kiện để người khác nghe và thấu hiểu. Ngược lại, một người khen, chê thiếu khách quan và có dụng tâm không tốt sẽ không bao giờ đạt được ý nguyện của mình, thậm chí bị tác dụng ngược trở lại.
Văn hóa khen chê xuất hiện trong đời sống người Việt Nam ta rất đa dạng và phong phú. Cha mẹ khen chê con cái, vợ chồng khen chê lẫn nhau, ông bà khen chê các cháu, bạn bè thân hữu khen chê nhau trong cơ quan hay cuộc sống bên ngoài… Từ đối tượng và quan hệ đa dạng đó nên cách ứng xử và hành động khi nói năng cũng thiên biến vạn hóa, nhằm đạt được mục tiêu của người khen chê và người tiếp thu, từ đó mà ứng xử trở lại cho thật tốt đẹp.
Tóm lại, giữa bộn bề cuộc sống với nhiều quan hệ phức hợp, con người với tư cách là một thực thể sinh học sống động, dù có tài năng và đức hạnh đến đâu cũng không tránh khỏi những sai lầm. Vì vậy, vấn đề khen chê của cá nhân hay cộng đồng xã hội sẽ giúp con người có định hướng, điều chỉnh để hoàn thiện hơn bản thân.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc