Động lực từ thi đua khen thưởng
18:08, 27/12/2016
Trong cuộc họp tổng kết 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở một xã vùng sâu, sau khi quyết định khen thưởng được công bố kèm theo danh sách các cá nhân, tập thể được ủy ban nhân dân các cấp tặng bằng khen, giấy khen, Hội trường xôn xao cả lên, đại biểu này quay sang hỏi đại biểu kia: “Sao không có tên của đồng chí chủ tịch xã nhỉ? Danh sách có bị làm sót, nhầm lẫn gì không ?”.
Để giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, đồng chí chủ tịch xã đã lồng ghép thành một cuộc trò chuyện khá thú vị về chủ đề thi đua khen thưởng và nêu gương. Đồng chí nói, thi đua là một cách tốt nhất, thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ và là nền tảng giúp chúng ta làm việc ngày một tốt hơn. Còn khen thưởng làm sao để thực sự trở thành động lực phát huy năng lực, trách nhiệm của từng cá nhân làm tốt công việc của mình mới là vấn đề. Chính vì vậy, khen thưởng phải minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn và đặc biệt là phải hướng về cơ sở, về những người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kiên quyết nói không với bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng. Vì vậy mà trong danh sách khen thưởng của xã lần này 80% là cá nhân ở thôn, buôn, còn lại là cán bộ tham mưu, trực tiếp giúp việc cho lãnh đạo xã. Cho nên, khi nhận giấy khen có người đã không giấu được niềm xúc động bởi những cống hiến của mình đã được ghi nhận xứng đáng. Và việc một đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân xã từ chối mọi danh hiệu thi đua khen thưởng để dành sự động viên ấy cho cấp dưới, những người trực tiếp ở thôn, buôn quả thực rất đáng để nêu gương. Thực tế kết quả những phong trào thi đua rộng khắp như: toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... cho thấy, ở đâu cán bộ, đảng viên gương mẫu, sáng tạo trong lãnh đạo, thì ở đó phong trào phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; ở đâu khen thưởng đúng và trúng ở đó có nhiều điển hình trong lao động sản xuất. Sinh thời, Bác Hồ đã để lại nhiều tư tưởng quý giá, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người đều có thể tìm thấy những tiêu chuẩn làm nền tảng tư tưởng cho hành động của mình. Đối với việc thi đua khen thưởng, ai cũng thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Thi đua tốt thì có nhiều thành tích để khen thưởng; khen thưởng chính là động lực để cho mỗi cá nhân, tập thể phấn đấu, nỗ lực hết mình thi đua học tập, lao động, sáng tạo là vậy.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc