Dưa món – Món ăn dân dã ngày Tết
Trong thực đơn của người Việt, có một món ăn tuy dân dã nhưng ăn kèm với bánh chưng, bánh tét và các thức ăn nhiều chất đạm, dầu mỡ thì ngon vô cùng, đó là dưa món. Với vị chua chua, ngọt ngọt, màu sắc rực rỡ, miếng dưa giòn rụm mang lại cảm giác ngon miệng cho người thưởng thức trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tùy mỗi vùng miền và khẩu vị của từng người mà dưa món sẽ được chế biến với những nguyên liệu khác nhau, chủ yếu là những nguyên liệu dễ kiếm và thân thuộc trong căn bếp hằng ngày như: cà rốt, đu đủ, su hào, hành, kiệu, củ cải… Cách làm dưa món rất đơn giản, đầu tiên là sơ chế nguyên liệu. Đối với kiệu, nên chọn củ kiệu ta, thân nở, đuôi nhỏ mảnh, có thắt eo ở giữa, sau đó bỏ rễ, rửa sạch; chọn hành tím khô vừa phải, mang về cắt rễ, bóc vỏ, sau đó cho hành và kiệu vào ngâm với nước vo gạo khoảng hơn 1 ngày để làm giảm độ cay và mùi hăng của nguyên liệu. Cà rốt, đu đủ, su hào… gọt vỏ, có thể cắt khúc, tỉa hoa hoặc thái hình răng cưa cho bắt mắt với độ dày khoảng 0,5 cm. Cho tất cả các nguyên liệu vào ngâm với nước muối tầm 20 phút nhằm loại bỏ mùi hăng rồi vớt ra, xả qua với nước lạnh, để ráo. Tiếp theo đến công đoạn phơi nắng, bước này rất quan trọng vì nó quyết định độ dai giòn của dưa món sau này. Nếu trời nắng đẹp thì phơi tầm 2 ngày (khoảng 20 giờ nắng), phơi cho đến khi các nguyên liệu khô và teo lại là được. Sau khi phơi khô, mang nguyên liệu vào trụng qua nước sôi để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất là có thể bắt đầu tiến hành muối.
Muốn món dưa ngon, quan trọng ở khâu nấu mắm đường để muối. Cho mắm, đường, nước vào nồi theo tỉ lệ 2:2:1, đun sôi, cho thêm một ít mì chính sau đó để thật nguội (tuỳ theo sở thích của mỗi người mà có thể cho ít hoặc nhiều đường). Tiếp theo xếp các nguyên liệu đã được sơ chế vào hũ (tốt nhất là hũ thủy tinh), cho mắm đường đã được nấu đổ ngập các nguyên liệu khoảng một đốt ngón tay, cho tỏi, ớt xắt lát vào cùng rồi nén kĩ bằng vỉ lên trên. Thông thường, hành và kiệu sẽ được muối trước từ 3-4 ngày (vì hành, kiệu lâu chín hơn các nguyên liệu khác), sau đó mới cho các nguyên liệu như: đu đủ, cà rốt, su hào… vào để tầm 2 đến 3 ngày cho ngấm mắm là có thể dùng được.
Dưa món dùng để ăn kèm với bánh chưng, giò lụa, thịt rim hay thịt đông đều được. Màu sắc của dưa món bắt mắt mang đến sự rực rỡ và may mắn trong suốt cả năm; miếng dưa giòn, cắn rộp một miếng, vị chua chua, ngọt ngọt xen một chút mằn mặn của miếng dưa tan ra trong miệng, hòa quyện vào nhau mang lại cảm giác khoan khoái vô cùng. Đây là một món ăn truyền thống được các gia đình Việt vô cùng ưa chuộng và không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền.
Nguyễn Huyền
Ý kiến bạn đọc