Cách mạng về chất trong nông nghiệp…
Tất cả chúng ta phải dựa vào dân, vào khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp, nông thôn chứ không phải dựa vào Nhà nước.
Người nông dân, những doanh nghiệp nông nghiệp cùng với Chính phủ sẽ làm một cuộc cách mạng về chất trong nông nghiệp. Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức ở tỉnh An Giang vừa qua.
Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ lại nhấn mạnh hai chữ “về chất” trong nông nghiệp. Công cuộc đổi mới với một loạt chính sách quan trọng như Khoán 10, Chỉ thị 100, tự do lưu thông lương thực, đã giúp Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, hiệu quả trồng lúa còn thấp khi giá thành gạo cao hơn so với thế giới, khả năng cạnh tranh thấp, chưa qua chế biến sâu, chất lượng không đồng đều, hầu như không có tên tuổi nổi trội. Cũng bởi vậy mà ngay ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa cũng chỉ được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines. Thủ tướng phân tích và bày tỏ lo ngại: Xâm thực mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi của khí hậu là nỗi lo nhưng “xâm thực gạo” của các nước vào thị trường trong nước mới đáng sợ.
Đó là nỗi niềm của ngành lúa gạo, còn câu chuyện của cà phê Việt Nam - cà phê Tây Nguyên - Cà phê Buôn Ma Thuột và nhiều loại cây công nghiệp khác cũng đang rất cần hai chữ “về chất”. Thiên nhiên ban tặng và ưu đãi cho Tây Nguyên với gần 2 triệu héc-ta đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với các loại cây như cà phê, ca cao, hồ tiêu… Các mặt hàng này tuy đạt sản lượng lớn, nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới. Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD. Một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cà phê đã thẳng thắn cho rằng: Cơ quan chức năng cũng có một phần lỗi với nông dân khi hơn 300 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thiếu sự vận hành, mua xô một thời gian dài nên đã tạo tâm lý, thói quen cho nông dân sẵn sàng bán sản phẩm chất lượng thấp; hơn 30% nông dân chưa chú trọng thu hái bảo đảm tỷ lệ quả chín.
Nông dân Việt Nam cả người trồng lúa cũng như cà phê và những loại cây trồng khác đang chịu nhiều tổn thương về giá, biến đổi khí hậu... Tiêu chí về lượng sẽ không còn là cái đích cuối cùng mà lâu dài và bền vững phải chú trọng về chất. Có nhiều giải pháp để tiến đến cái đích này trong đó định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ được nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và đã có cả nông dân đề cập nhiều thời gian gần đây. Hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đặc biệt phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm, ấy sẽ là "nguyên liệu" quan trọng làm nên tên tuổi sản phẩm trên thương trường.
Tuy nhiên muốn thực hiện được những điều ấy lại cần có các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, mô hình phát triển. Sự biến đổi về chất trong nông nghiệp tới đâu, đến mức độ nào không thể thực hiện một cách đơn thương độc mã. Vậy nên, người đứng đầu Chính phủ mới nhấn mạnh “các địa phương phát động dân để làm việc này một cách thực chất”. Thực chất để thấy rõ mình đang vướng ở đâu mà gỡ rồi phấn đấu, thực chất để không ngủ quên trên thành tích, thực chất cho sự gắn kết và phát triển lâu bền. Cuộc cách mạng về chất trong nông nghiệp không đơn thuần chỉ biểu hiện bên ngoài bằng kết quả chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm mà còn bao hàm cả những đòi hỏi thay đổi về tư duy, tầm nhìn, sự vận hành trong tổ chức, quản lý, điều tiết và phân phối.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc