Giáo dục hướng thiện giúp tạo dựng một xã hội đáng sống
Một xã hội đáng sống phải là một xã hội có những con người hướng thiện. Lẽ dĩ nhiên, không một xã hội nào lại không có cái xấu, cái ác nhưng cái xấu, cái ác diễn ra hằng ngày dẫn tới lòng người hoang mang thì quả là đáng lo ngại.
Vậy trong bối cảnh xã hội đó, chúng ta phải làm gì? Tạo dựng một xã hội với những điều kiện, cơ chế khiến các thành viên cho dù muốn xấu, muốn ác cũng khó thực hiện là điều quan trọng, giống như cơ chế “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vậy. Có những người vốn dĩ “nhân chi sơ, tính bản thiện” nhưng vì hoàn cảnh sống đã thành ra kẻ ác; nếu người đó được thay đổi môi trường sống – một môi trường hạn chế điều kiện thực hiện điều ác, hướng tới điều thiện thì cũng có thể trở nên người hướng thiện. Tuy nhiên, việc tạo dựng cơ chế xã hội để cá nhân không dám làm điều ác, không thể làm điều ác là công việc khó khăn và phức tạp. Mỗi bản thân cá nhân cũng khó có thể thay đổi được thực trạng xã hội một sớm, một chiều. Dù như vậy đi chăng nữa, cái mà mỗi người có thể thay đổi chính là thay đổi bản thân mình dựa trên nếp sống hướng thiện, để không muốn làm điều ác. Thực tế, có nhiều người dù gặp hoàn cảnh xấu, dễ bị lôi cuốn vào việc làm bất lương nhưng vì được giáo dục hướng thiện nên đã tránh được. Một đứa trẻ được dạy điều thiện ngay từ khi còn bé thì khi đứa trẻ lớn lên, sống trong xã hội phức tạp, có người tốt người xấu, điều hay điều dở thì người đó vẫn có cái nền căn bản hướng về cái thiện, ghét điều ác, tránh làm điều ác.
Cũng cần nói thêm, xã hội đang được điều tiết dựa vào cơ chế các thành viên tiếp nhận, tôn trọng hệ thống chuẩn mực xã hội (bao gồm cả luật pháp và luân lý). Các cá nhân vì sợ trừng phạt từ luật pháp và dư luận xã hội mà không dám làm điều ác thì cũng đã tốt lắm rồi. Nhưng hơn thế, giáo dục hướng thiện giúp cá nhân tự do chọn lựa hành động bắt nguồn từ sự tôn trọng phẩm giá làm người mà họ đã xác định; từ đó tránh phải trả lời những câu hỏi như “Sống trong xã hội nhiều giả dối, trung thực thế mà không sợ bị thiệt thòi hay sao?”.
Cá nhân làm điều thiện, không phải do mệnh lệnh nào buộc họ phải làm, không phải vì phần thưởng hay sự trừng phạt từ ai mà vì tự họ thấy như vậy là có ích, có lợi cho bản thân, cho người khác và cho xã hội. Thiết nghĩ, hãy thay đổi xã hội trước hết bằng việc thay đổi chính mình, giáo dục hướng thiện bằng cách làm gương để được sống cùng nhau trong một xã hội an toàn, đáng sống.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc