Multimedia Đọc Báo in

Hoài niệm thuyền độc mộc

08:52, 09/07/2017

Nằm ven Hồ Lắk thơ mộng, buôn Drung, xã Yang Tao (huyện Lắk) từng được biết đến là nơi sở hữu và cho ra đời hàng trăm chiếc thuyền độc mộc. Theo dòng chảy của sự phát triển đời sống, thuyền độc mộc không còn được mấy ai sử dụng và lưu giữ.

Trong căn nhà sàn của mình, già Y Jro Kyang (buôn Drung) vẫn giữ được những vật dụng truyền thống của người M’nông như ghế Kpan, trống da trâu, ché túc… nhưng điều khiến ông tiếc nhất là không giữ lại được chiếc thuyền độc mộc nào. Già Y Jro nhớ lại: Hồi đó, nhà nào cũng có vài chiếc thuyền độc mộc, riêng gia đình ông có 5 chiếc. Thuyền độc mộc được người dân buôn Drung dùng làm phương tiện di chuyển, chở nông sản, đánh bắt cá trên Hồ Lắk. Vào những đêm trăng, nhiều đôi nam thanh nữ tú ở các buôn chèo thuyền dạo chơi rồi ngỏ lời tình tự. Đến tận bây giờ, người dân vẫn ấn tượng mãi về đám cưới của Y Thách Skưu (buôn Drung) và H’Bem Teh ( buôn Jun), do buôn của cô dâu, chú rể nằm ở 2 bên bờ Hồ Lắk nên phương tiện đi lại chính là hàng chục chiếc thuyền độc mộc.

Rất ít người dân còn sử dụng thuyền độc mộc làm phương tiện di chuyển.
Rất ít người dân còn sử dụng thuyền độc mộc làm phương tiện di chuyển.

Buôn Drung vốn nức tiếng cả vùng vì tài làm thuyền độc mộc, hầu như nhà nào cũng có người biết làm thuyền. Ngoài việc sắm cho gia đình mình 1-2  chiếc thuyền để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, thì người dân trong buôn còn làm thuyền bán cho các buôn lân cận. Tùy theo kích thước của từng chiếc thuyền mà có giá trị khác nhau, được quy đổi bằng trâu, bò, heo, lúa... Vì vậy, trong buôn có nhiều người khá giả nhờ nghề làm thuyền độc mộc.

Để làm được một chiếc thuyền độc mộc như ý, đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị và thực hiện tỉ mỉ, công phu. Thuyền thường được làm bằng loại gỗ Sao rừng, nguyên thân thẳng tắp, đủ độ lớn (rộng từ 50 – 70 cm, dài 3 – 5 m). Trước tiên, người thợ phải lên rừng chọn được cây gỗ tốt, rồi về buôn nhờ khoảng chục người đàn ông khỏe mạnh chặt gỗ mang về. Rìu là công cụ duy nhất được dùng để chặt cây và làm thuyền. Phần mất nhiều công sức nhất là mũi thuyền, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm mới có thể làm được. Theo đó, mũi thuyền phải đủ độ cong để chắn gió, nhưng không được quá vênh thì thuyền mới không bị chìm.

Thời gian để làm xong một chiếc thuyền thường thì cả tháng, thậm chí lên đến vài tháng. Trước khi hạ thủy, gia chủ thường tổ chức cúng Yàng với lễ vật gồm một con gà, ché rượu cần để cầu sức khỏe, sự may mắn, an toàn đến với gia đình và chiếc thuyền.

Thuyền độc mộc vốn gần gũi với người dân M’nông nhưng nay hầu hết những chiếc thuyền đã bị người dân bán đi . Cả buôn Drung giờ chỉ còn 2-3 chiếc thuyền nhưng đa phần đã bị hư hỏng. Gia đình bà H’Nai Đăk Căt, là 1 trong những gia đình hiếm hoi ở buôn Drung còn giữ lại thuyền độc mộc, nhưng đã lâu không mang ra sử dụng mà chỉ để một chỗ, phủ đầy bụi. Bà H’Nai cho biết: Chiếc thuyền này được làm từ năm 1976, đã có nhiều người ngỏ ý mua với giá cao nhưng bà không bán, tuy nhiên hiện kinh tế gia đình khó khăn, bà đang tính bán để có vốn làm ăn.

Ông Y Nguyên Bdăp, Trưởng buôn Drung cho biết: “Hiện nay, đa số người dân đều sử dụng thuyền làm bằng nhôm bởi tính tiện dụng và nhỏ gọn, số người dùng thuyền độc mộc còn rất ít, chỉ có các đơn vị làm du lịch sử dụng thuyền để phục vụ du khách tham quan hồ Lắk.”

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.